Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

An Giang: Những hi sinh thầm lặng trên tuyến biên giới Tây nam

H.Diễm - Ý Vy - 16:12, 26/07/2021

Nhiều ngày qua, những “lá chắn thép” trên tuyến biên giới Tây Nam đã kiên cường bám trụ, vượt qua những khó khăn hiện tại thực hiện tốt nhiệm vụ. Trên những điểm chốt này, nhiều cán bộ chiến sĩ Biên phòng tạm gác việc gia đình để cùng đồng đội bước vào cuộc chiến chống đại dịch Covid - 19 đầy gian nan. Thậm chí khi “ Tứ thân phụ mẫu” qua đời chỉ lập bàn thờ vọng, thắp hương thể hiện lòng thương tiếc... rồi nén chặt nỗi đau mất người thân vững bước tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Lực lượng BĐBP tuần tra trên tuyến biên giới
Lực lượng BĐBP tuần tra trên tuyến biên giới

Những dấu chân thầm lặng

An Giang có chiều dài tuyến biên giới hơn 90 km, đến nay lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang đã lập 210 chốt chặn phòng chống Covid – 19, duy trì 100% quân số, luân phiên trực 24/24 giờ…

Không chỉ luân phiên trực chống dịch Covid-19 tại chốt và các đường mòn, lối mở trên biên giới, các cán bộ trong tổ công tác của chốt còn là những “tuyên truyền viên” thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch.

Có đến biên giới vào những ngày này mới cảm nhận hết những khó khăn, vất vả mà các chiến sĩ nơi tuyến đầu đang ngày đêm cùng cả nước chung tay chống dịch. Tuy nhiên, hơn ai hết, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều hiểu rằng, lúc này đây, vì sự bình yên của Nhân dân, mỗi người đều phải vượt qua khó khăn thường nhật để làm tốt nhiệm vụ của mình.

Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại, bất kể ngày đêm, vượt qua nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm cao, họ lặng thầm làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát thắt chặt biên giới chưa phút nào ngơi nghỉ. Họ kiên cường tiến về phía trước với lòng tin tràn đầy rằng sẽ chiến thắng đại dịch.

Hình ảnh xúc động Đại úy Diệp Sơn Đông trước bàn thờ bái vọng ở nơi biên giới xa xôi
Hình ảnh xúc động Đại úy Diệp Sơn Đông trước bàn thờ bái vọng cha ở nơi biên giới xa xôi

Gác lại niềm riêng

Những ngày qua, khi các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long liên tiếp ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid – 19, tình hình xuất nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, nhiều chiến sỹ Biên phòng từ các tỉnh khác đã được tăng cường vào tuyến biên giới Tây Nam để thực hiện nhiệm vụ. Đã hơn 7 tháng liền ở lại đơn vị làm nhiệm vụ, nhiều chiến sĩ  không khỏi xúc động khi nhắc về quê nhà. Sau ca trực các anh tranh thủ thời gian gọi điện thoại về cho gia đình, vội nhìn ngắm đứa con nhỏ qua màn hình điện thoại mà lòng không nguôi nhớ thương.

Mới đây thôi, BĐBP tỉnh An Giang vừa có một đồng chí đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch Covid – 19 phải nén đau thương vì mất cha nhưng không thể về nhà chịu tang. Đó là hoàn cảnh của Đại úy Diệp Sơn Đông, cán bộ tăng cường phòng, chống Covid – 19, chốt số 11, Đồn Biên phòng Phú Hữu (được tăng cường từ BĐBP tỉnh Phú Yên vào).

Đại úy Đông hay tin bố đột ngột qua đời, nhưng vì điều kiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên biên giới tỉnh An Giang đang rất khẩn trương, diễn biến phức tạp anh đã phải nén nỗi đau, gác lại niềm riêng ở lại đơn vị để cùng các cán bộ, chiến sỹ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chống dịch. Được biết, gia đình đồng chí Đông ở huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nhà chỉ có 2 anh em (em đồng chí hiện đang làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh) nhưng nay cả 2 anh em đều không thể về chịu tang. 

Chia sẻ với những mất mát và động viên tinh thần đồng đội, đơn vị đã lập bàn thờ bái vọng ở chốt biên giới để anh có thể thắp hương, tưởng nhớ người sinh thành nơi biên giới xa xôi. Đồng thời, đơn vị cũng thăm hỏi động viên cả vật chất, lẫn tinh thần để Đại úy Đông yên tâm công tác, tiếp tục cùng đơn vị thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa quản lý bảo vệ biên giới, vừa phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài Đại úy Diệp Sơn Đông, cũng có 2 đồng chí khác bố mất không về chịu tang được, ở lại đơn vị làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Đó là trường hợp Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Trần Hải Dương, nhân viên kiểm tra giám sát, quê TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; Trung úy Lê Văn Nguyên, Trung đội trưởng Vệ binh BĐBP tỉnh An Giang, quê Thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Thượng tá Lê Hoàng Việt, Phó Chính uỷ BĐBP tỉnh An Giang chia sẻ: Tính đến nay, trong lực lượng cán bộ BĐBP tỉnh An Giang đã có 03 đồng chí cha đẻ mất mà không về chịu tang cha được, ở lại đơn vị làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Đơn vị và đồng đội làm bàn thờ ở chốt biên giới để cho các đồng chí này thắp hương, vọng tưởng về cha mình từ nơi biên giới xa xôi. 

Chia sẻ với những mất mát và để động viên tinh thần khắc phục khó khăn của các đồng chí, cơ quan, đơn vị cùng đồng đội cũng có những lời động viên thăm hỏi để các đồng chí yên tâm công tác. 

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã có quá nhiều hình ảnh xúc động về những lực lượng tuyến đầu. Họ đã luôn cố gắng kiên trì, họ đã nén niềm đau mất mát, nỗi nhớ thương gia đình để hoàn thành nhiệm vụ.

(Nội dung thông tin, truyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.