Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

An Giang kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh

Hồng Diễm - 16:44, 23/11/2022

Tối 22/11, tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, làm nền tảng để An Giang thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022 và ở những năm tiếp theo; là dịp để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế, hình ảnh đất và người An Giang với bạn bè trong nước và quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm

Đến dự có ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Lê Hồng Quang - Bí thư Tỉnh ủy An Giang cùng nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, cán bộ lão thành và đông đảo người dân An Giang.

Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, An Giang nằm ở vị trí Tây Nam của Tổ quốc, với biên giới dài gần 100 km tiếp giáp Vương quốc Campuchia. An Giang có địa chính trị, địa kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh quan trọng. Là tỉnh có đặc trưng trong khu vực, vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi với đa dân tộc, đa tôn giáo, đa số là dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng chung sống lâu đời, hình thành những giá trị văn hóa phong phú, cùng các công trình kiến trúc độc đáo.

Trải qua các thời kỳ hình thành, đấu tranh và xây dựng, An Giang đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, Từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo đói nhiều, sau quá trình nỗ lực, An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Hệ thống y tế, giáo dục không ngừng được củng cố phát triển. Chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ mức 7,84% năm 2011, còn 1,93% năm 2020. Quốc phòng - an ninh được tăng cường và giữ vững, hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, An Giang là ngọn cờ đầu trong đấu tranh bảo vệ đất nước ở vùng biên giới Tây Nam. Quân và dân An Giang với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, lòng quả cảm đã cùng với quân dân cả nước quật khởi chiến đấu, giành thắng lợi và giữ cuộc sống bình yên.

Không những thế, nông dân An Giang đi đầu trong sáng tạo sản xuất nông nghiệp từng bước vươn lên dẫn đầu cả nước về sản xuất lương thực, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đây là một trong những dấu ấn nổi bật, thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang.

Để An Giang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý tỉnh cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng thâm dụng công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo, hài hòa với thiên nhiên...

Là địa phương có vị trí quan trọng trong vùng, An Giang cần đánh giá đúng vị trí, vai trò tiềm năng của tỉnh trong tổng thể phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; xác định đúng các tiềm năng, thế mạnh, cũng như những cơ hội và thách thức của tỉnh; khai thác, huy động những dư địa mới, nguồn lực mới để tạo bước phát triển đột phá mới trong phát triển ở thời kỳ mới

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trao Quyết định công nhận ngày truyền thống
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trao Quyết định công nhận ngày truyền thống

Quy hoạch phát triển tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai thực hiện các giải pháp phát triển KT-XH trong thời gian tới. Từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng điểm đầu khu vực hạ lưu sông Mê Kông.

An Giang là tỉnh có dân số đông, với đồng bào nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau cùng sinh sống, có nhiều lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nên cùng với phát triển kinh tế, tỉnh phải chú trọng lĩnh vực văn hóa - xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

“Tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương phát huy tốt các giá trị truyền thống, văn hóa, con người mang “đặc sắc An Giang” để bảo đảm phát triển bao trùm, bền vững và hướng tới thịnh vượng; chăm lo bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội. Chú trọng nâng cao hình ảnh quê hương và con người An Giang. Có kế hoạch thật tốt để phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Tiếp tục khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng để chung tay thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa của con người An Giang năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị.