Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 33,4 triệu ca mắc và hơn 595.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 18.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 22,6 triệu người đã nhiễm bệnh. Ngày 9/5 là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới tại quốc gia Nam Á này vượt 400.000 ca/ngày và ngày thứ 2 liên tiếp số trường hợp tử vong trên 4.000 người/ngày.
Chính phủ Ấn Độ đang đối mặt với sức ép ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc từng được áp dụng trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 đầu tiên vào năm 2020 để ứng phó với làn sóng dịch bệnh đang ngày càng xấu đi hiện nay. Hiệp hội Y tế Ấn Độ (IMA) đã kêu gọi Chính phủ của Thủ tướng Narenda Modi ban bố một lệnh phong tỏa "hoàn toàn, có chuẩn bị tốt và được thông báo trước" trên cả nước, thay cho các lệnh giới nghiêm ban đêm và một số biện pháp hạn chế mà các địa phương đang triển khai thực hiện ở thời điểm hiện tại.
IMA bày tỏ bất ngờ trước việc Bộ Y tế Ấn Độ đã "không có hành động phù hợp" để ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay. Trong bối cảnh đó, ngày 9/5, chính quyền thủ đô New Delhi và bang Uttar Pradesh đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa và lệnh giới nghiêm cho đến ngày 17/5. Các dịch vụ tàu điện ngầm ở thủ đô sẽ tiếp tục tạm ngừng hoạt động trong ít nhất một tuần.
Tổng cục Quản lý Dược phẩm Ấn Độ vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc 2-Deoxy-D-glucose (2-DG) cho Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của nước này trong điều trị các bệnh nhân COVID-19. Thuốc điều trị 2-DG do Viện Y học Hạt nhân và Khoa học Đồng minh Ấn Độ (INMAS) nghiên cứu và phát triển.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, hợp chất 2-DG có khả năng hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19 thể nặng phục hồi nhanh hơn và giảm tình trạng phụ thuộc vào nguồn oxy bổ sung bên ngoài. Thuốc hiện được sản xuất dưới dạng bột đóng gói giúp dễ dàng sử dụng.
Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 421.400 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 15,1 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Nhiều tổ chức, quốc gia đã hoan nghênh ý tưởng của Mỹ kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19. Quyết định này có thể mở ra hy vọng lớn để các nước có thu nhập thấp và trung bình có cơ hội tự sản xuất và đối phó với đại dịch hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ý tưởng này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, nhất là từ một số nước châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, bà không cho rằng việc gỡ bỏ bằng sáng chế là giải pháp để cung cấp vaccine cho nhiều người hơn. Bà Merkel nhấn mạnh, cần sự sáng tạo và đổi mới của các công ty dược phẩm. Đó là lý do tại sao bà tin tưởng vào việc bảo hộ bằng sáng chế. Đức là quê hương của công ty công nghệ sinh học BioNTech, một nhà sản xuất vaccine COVID-19 hàng đầu hiện nay.
Về phía châu Âu, Ủy ban châu Âu tuyên bố sẵn sàng thảo luận về đề xuất dỡ bỏ độc quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19. Các tổ chức vận động, trong đó có Liên đoàn Công nghiệp dược phẩm quốc tế, kiên quyết phản đối ý tưởng từ bỏ bản quyền trí tuệ, điều mà họ cho rằng sẽ sẽ làm suy yếu sự động lực phát triển của các loại thuốc tiên tiến.
Sau khi các biện pháp chống dịch kiên quyết và kiên trì phát huy tác dụng, đặc biệt là nhờ hiệu quả của chiến dịch tiêm phòng, các thành phố lớn ở nhiều nước đã bắt đầu bỏ các biện pháp hạn chế chính như lệnh tình trạng khẩn cấp, trong đó có lệnh giới nghiêm. Chỉ chờ có vậy, tại nhiều nơi ở châu Âu, người dân đã đổ ra đường, tham gia các hoạt động giải trí, tụ tập đông người.
Tại thành phố Barcelona và thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, thủ đô Brussels của Bỉ, người dân đổ ra bãi biển, ra đường phố ca hát, nhảy múa, uống rượu bia xuyên đêm để tận hưởng không khí náo nhiệt ngoài trời. Tuy hiện, ở Tây Ban Nha, mới chỉ các nhóm 6 người trở xuống được phép cùng ở một chỗ, nhưng các thanh thiếu niên vẫn tụ thành các đám đông lớn, nhiều người không đeo khẩu trang. Họ cho biết đã hơn một năm không được gặp bạn bè, hơn nửa năm chưa được ra quán ăn... Hiện các quán ăn ở thành phố Barcelona được mở cửa đến 23h, phục vụ tối đa 30% công suất, mỗi bàn được tới 4 người ngồi chung. Còn các quán tại Bỉ được phục vụ khách ở ngoài trời.
Số ca tử vong vì COVID-19 tại Nepal đang chiếm tới gần nửa số ca mắc mới hàng ngày, khiến Nepal quá tải hệ thống hỏa táng, đến mức nhà chức trách tại thủ đô phải khẩn trương mở các khu hỏa thiêu ra bờ sông. Bộ Y tế Nepal công bố trên 8.700 ca mắc mới và 88 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. 44% xét nghiệm có kết quả dương tính, trong khi mới chỉ có 1% dân số được tiêm vaccine. Người dân thủ đô Nepal cho biết, số ca tử vong ngày càng tăng do ngày càng nhiều người mắc bệnh.
Nepal lâm vào làn sóng dịch mới do virus xâm nhập qua biên giới với Ấn Độ. Là nước nhỏ và còn nhiều thiếu thốn, ngay lập tức hệ thống bệnh viện bị quá tải, thuốc men và trang thiết bị y tế cạn kiệt. Liên minh Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã cảnh báo, Nepal đang trên đường rơi vào thảm hỏa nhân đạo nếu không được hỗ trợ ngay. Nepal đã đóng mọi đường bay và phong tỏa toàn bộ hoặc một phần 80% đơn vị hành chính. Hiện Nepal ghi nhận trên 394.600 ca mắc COVID-19 và hơn 3.700 trường hợp tử vong.
Tại Indonesia, Lực lượng Đặc nhiệm COVID-19 vừa thông báo, người nước ngoài có thẻ tạm trú hoặc thẻ cho phép lưu trú vĩnh viễn có thể được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Chương trình được xây dựng bên cạnh chương trình tiêm chủng của Chính phủ để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng ở nước này.
Chương trình này sẽ bắt đầu vào ngày 17/5 tới. Theo đó, các khu vực tư nhân đứng ra mua vaccine sẽ phải tự chịu trách nhiệm về chương trình tiêm chủng. Loại vaccine được chọn phải khác với loại Chính phủ đang sử dụng, hiện đang được phê duyệt là vaccine Sinopharm. Hiện nay, giá vaccine tiêm chủng độc lập đang được trình lên Bộ Y tế phê duyệt là 500.000 Rupiah (khoảng 800.000 đồng). Tuy nhiên, chi phí tiêm vaccine sẽ do doanh nghiệp chịu và người lao động không phải chi trả cho việc tiêm chủng để đồng bộ với chính sách tiêm miễn phí đại trà cho toàn dân của Chính phủ Indonesia. Đến nay, Indonesia báo cáo trên 1,7 triệu trường hợp mắc COVID-19, bao gồm hơn 47.000 bệnh nhân thiệt mạng.
Tại Malaysia, thay vì chỉ áp dụng thực hiện lệnh hạn chế di chuyển trong khu vực, từ ngày 10/5 đến ngày 6/6, lệnh cấm đi lại giữa các quận trong nội đô sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, nước này sẽ cấm đi lại giữa các quận từ ngày 10/5 đến ngày 6/6 nếu không có giấy phép của cảnh sát. Như vậy, ngoài việc duy trì lệnh cấm đi lại giữa các bang, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, việc cấm đi lại giữa các quận trong nội đô được thực thi trên phạm vi toàn quốc ở Malaysia. Ngoài ra, kể từ ngày 10/5, Malaysia sẽ đóng cửa tất cả các chợ mở nhân dịp tháng Ramadan và lễ hội của người Hồi giáo sau tháng Ramadan ở các khu vực thuộc lệnh hạn chế di chuyển.
Số ca mắc mới COVID-19 mới ở Malaysia đang tăng mạnh, trong 2 ngày qua liên tục ở mức trên 4.000 ca và ở mức cao nhất trong 3 tháng vào ngày 8/5 với hơn 4.500 ca. Hơn 1.600 bệnh nhân COVID-19 đã tử vong trong tổng số trên 440.600 ca mắc ở quốc gia này.
Bộ Y tế Malaysia cảnh báo, ngày càng nhiều người trẻ tuổi tại nước này mắc COVID-19 với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là xuất hiện nhiều hơn các ca bệnh do những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra. Theo Bộ Y tế Malaysia, trong số những người trẻ tuổi bị mắc COVID19 do các biến thể mới, có nhiều trường hợp không có tiến triển sau quá trình điều trị, kể cả điều trị với steroid cũng không mang lại hiệu quả. Malaysia hiện đã phát hiện các biến thể từ Nam Phi, Anh và Ấn Độ trong các ca nhiễm trong cộng đồng. Đáng lưu ý, cơ quan chức năng nước này không thể truy vết nguồn gốc.
Bộ Y tế Philippines thông báo, nước này có 7.174 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 lên trên 1,1 triệu người. Trong 24 giờ qua, Philippines có thêm 204 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi, theo đó tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới 18.472 người.
Ngày 9/5, Bộ Y tế Campuchia cho biết, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày đã giảm nhẹ so với những ngày trước đó với 520 ca được ghi nhận. Tính đến nay, Campuchia đã xác nhận tổng cộng 19.237 ca mắc COVID-19 trên cả nước, trong đó 7.641 người đã bình phục.
Bộ Y tế Lào cùng ngày xác nhận, nước này đã có ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19. Như vậy, sau hơn 1 năm kể từ khi dịch bùng phát, Lào là quốc gia cuối cùng trong ASEAN có người tử vong do COVID-19. Theo Bộ Y tế Lào, ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19 tại nước này là một nữ công dân Việt Nam, sinh năm 1969.
Tại buổi họp báo, Bộ Y tế Lào thông báo, trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 69 ca nhiễm COVID-19 mới tại 4 tỉnh, thành, trong đó có 46 ca ở tỉnh Bokeo, nơi có đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng và giáp giới với Trung Quốc, tiếp đó là thủ đô Vientiane với 16 ca. Điều này cho thấy, mặc dù tình hình dịch của Lào có phần nào giảm nhiệt trong những ngày qua nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
Như vậy, đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.302 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 66 người Việt Nam. Hiện Lào đã chữa khỏi cho 232 bệnh nhân và mới chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Thái Lan ngày 9/5 ghi nhận thêm hơn 2.100 ca nhiễm mới COVID-19 và 17 ca tử vong. Đa số trường hợp mắc mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ đô Bangkok tiếp tục là tâm dịch khi ghi nhận gần 1.000 ca mắc mới trong vòng 24 giờ. Hiện tổng cộng số ca mắc COVID-19 ở Thái Lan là hơn 83.300 trường hợp, trong đó, chỉ trong 5 tuần trở lại đây đã ghi nhận hơn 54.000 bệnh nhân. Thái Lan đang dự định sẽ phê chuẩn vaccine của hãng Moderna nhằm tăng tốc quá trình tạo miễn dịch cộng đồng. Đến nay, Thái Lan đã phê chuẩn vaccine của các hãng Sinovac Biotech, AstraZeneca và Johnson & Johnson.
Ngày 9/5 là ngày thứ 3 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 trên 6.000 ca/ngày, trong đó số bệnh nhân trở nặng đã tăng lên 1.144 trường hợp, mức cao chưa từng có. Theo báo cáo công bố ngày 9/5, các biến thể của SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan trong bối cảnh nước này đang ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 4. Hiện thủ đô Tokyo là địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất với 1.032 trường hợp. Trước đó một ngày, Tokyo thông báo có 1.131 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ ngày 22/1, thời điểm Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 2. Ngoài Tokyo, "điểm nóng" của dịch COVID-19, còn có Fukuoka, Hokkaido. Cả 2 địa phương này trong ngày 9/5 đều ghi nhận số ca nhiễm mới trên 500 trường hợp.
Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch thiết lập các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn tại thủ đô Tokyo và Osaka, trong đó huy động cả các y, bác sĩ của Lực lượng phòng vệ làm việc tại đây để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Dự kiến, trung tâm tiêm chủng ở Tokyo khi đi vào hoạt động từ ngày 24/5, có khả năng tiêm chủng 10.000 mũi/ngày. Nhật Bản xác nhận trên 633.000 người nhiễm COVID-19, trong đó hơn 10.800 bệnh nhân đã thiệt mạng.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày đã giảm dưới 600 ca vào ngày 9/5. Theo Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Hàn Quốc (KDCA), nước này đã ghi nhận 564 ca nhiễm mới trong ngày 9/5, trong đó có 522 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc hiện đã lên tới trên 127.300 người.
Theo kế hoạch, tới tháng 6, Hàn Quốc sẽ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 13 triệu người và 36 triệu người vào tháng 9 để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào tháng 11. Giới chức y tế Hàn Quốc cho biết, trong vài tuần tới sẽ có 8,95 triệu người trong độ tuổi từ 60 đến 74 được tiêm chủng. Trong khi đó, từ ngày 27/5, người từ 65 đến 74 tuổi sẽ được tiêm chủng vaccine của AstraZeneca và người từ 60 đến 65 tuổi sẽ được tiêm chủng loại vaccine này từ ngày 7/6.