Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ẩm thực Việt Nam đang ở đâu trên "bàn ăn quốc tế" ?

Duy Ly - 11:47, 11/05/2021

Câu chuyện ẩm thực Việt được người nước ngoài yêu thích giờ đã không còn mới, cũng không khó để bắt gặp những mẩu tin, bài báo, dòng chia sẻ trên mạng xã hội nước ngoài ca ngợi về các món ăn của Việt Nam...

 Bà Mai Trần – chủ nhà hàng Phở 79 tại Mỹ
Bà Mai Trần – chủ nhà hàng Phở 79 tại Mỹ

Những đánh giá từ cộng đồng quốc tế

Vào năm 2019, Yougov - tổ chức nghiên cứu tại Anh Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát mang tên “Khảo sát ẩm thực toàn cầu” về những món ăn được yêu thích nhất trên thế giới, dựa trên đánh giá của hơn 25.000 người đến từ 34 quốc gia. Bảng khảo sát cung cấp các thông tin như, độ nổi tiếng của ẩm thực mỗi nước và độ hài lòng của người dân mỗi nước với ẩm thực ngoại quốc.

Mặc dù, số người tham gia đánh giá là rất nhỏ so với dân số thế giới, nhưng xét về yếu tố tham khảo thì có thể nhận định rằng, ẩm thực Việt Nam đã được nhận dạng ở nhiều quốc gia trên thế giới, với độ nổi tiếng trung bình ở mức 55%, xếp vị trí 13 trên bảng xếp hạng. Phía trên hầu hết đều là các ứng cử viên nặng ký, đó là Ý, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Mỹ,…

Độ ngon của một món ăn còn được thể hiện ở độ phủ sóng của món ăn đó không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà còn trên cả thế giới. Nếu để ý, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cửa hàng bán pizza (của Ý); Sushi (của Nhật Bản); bánh Croissant (bánh sừng bò – Pháp)… toạ lạc trên các con phố, đặc biệt ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Độ nổi tiếng của những món ăn này tỷ lệ thuận với số cửa hàng được mở ra.

Như vậy, nếu coi đây là một cách nhận diện ẩm thực, thì có thể khẳng định, ẩm thực Việt Nam đang được phủ sóng rộng rãi. Phở - một trong những món ăn tiêu biểu của nền ẩm thực Việt Nam, món ăn duy nhất lọt vào danh sách 30 món ăn ngon nhất trên thế giới do CNN (một tờ báo uy tín của Mỹ) bình chọn, đã có một danh sách dài các nhà hàng trên thế giới.

Riêng tại Mỹ, số lượng các quán phở lên tới hàng trăm, cứ ở đâu có người Việt sinh sống là ở đó có quán phở. Đặc biệt tại khu Little Saigon (khu vực có đông người Việt nhất tại Mỹ) số lượng quán phở nhiều không đếm xuể, với những cái tên như: Phở 79, phở Tàu Bay, phở Hùng, phở Bằng, phở Pasteur, phở Nhà Tôi…

 Hay tại Anh, đường Kingsland ở đông London, nước Anh từ lâu đã được mệnh danh là phố phở. Tiêu biểu hơn cả có thể kể tới chuỗi 9 cửa hàng thương hiệu "Phở" của công ty Phở Holdings cùng nhiều quán phở nhỏ khác. Hơn 10 năm qua, phở Việt Nam đã âm thầm chinh phục các khách hàng khó tính nước Anh, để hương vị của bánh phở, thịt bò, nước ninh xương trở nên thân quen với nhiều người.

Bên cạnh phở thì bún chả, bánh mì hay gỏi cuốn cũng là những món ăn được yêu thích. Với các cửa hàng có tiếng tại một số quốc gia như tiệm “Bánh mì ngon ngon” tại Tokyo, Nhật Bản; tiệm “Bún chả Ra Boom” tại Seoul, Hàn Quốc; tiệm gỏi cuốn “Pho’n’Roll” tại Zhukovskogo, Nga…

Tiếp tục khẳng định vị trí của ẩm thực nước nhà

Nếu là người yêu thích các chương trình về ẩm thực trên sóng truyền hình, chắc chắn cái tên Gordon Ramsay sẽ không còn xa lạ. Ông là một trong những đầu bếp sở hữu nhiều ngôi sao Michelin (biểu tượng đánh giá chất lượng những nhà hàng chất lượng nhất trên thế giới). Ông cũng là giám khảo nổi tiếng của chương trình “Siêu đầu bếp Mỹ” ăn khách. Cách đây vài năm, vị đầu bếp nổi tiếng này đã có một chuyến đi “khám phá và học hỏi” về ẩm thực Việt Nam thông qua trương trình “The Great Escape”.

Gordon Ramsay trong chuyến khám phá ẩm thực tại Việt Nam
Gordon Ramsay trong chuyến khám phá ẩm thực tại Việt Nam

Trong chương trình này, Gordon đã hoàn toàn bị ẩm thực Việt Nam chinh phục. Ông từng nói: "Tạ ơn Chúa là tôi không sinh ra ở Việt Nam, ở đây thì tôi chỉ là một đầu bếp tồi." Câu nói này xuất phát trong quá trình học làm bánh cuốn. Đây là một món ăn giản dị nhưng tinh tế và yêu cầu "sự tỉ mỉ cực độ” theo như ông mô tả. Sở hữu đôi bàn tay đã chế tạo ra vô số những món ăn sao Michelin cao cấp, nhưng ông vẫn không tài nào tạo ra những chiếc bánh ngon như những người phụ nữ Việt Nam làm được.

Ngoài Gordon, Anthony Bourdain – Cố đầu bếp từng lừng danh người Mỹ từng đi theo Tổng thống Barack Obama sang thăm Việt Nam năm 2016 và có bữa ăn tại tiệm “bún chả Hương Liên” nổi tiếng tại Hà Nội. Ông đã không ít lần khen ngợi, quảng bá ẩm thực Việt Nam một cách tình nguyện. Ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Chuyến đi đến Việt Nam đã thay đổi cuộc đời tôi".

 Có thể nói, hiếm đất nước nào trên thế giới lại nhận được sự ưu ái, từ hai nhân vật danh tiếng nhất nhì trong làng ẩm thực như vậy.

Trong các hoạt động du lịch, thì trải nghiệm ẩm thực là một trong những cách để hiểu hơn về văn hoá và con người ở một đất nước. Nét đặc sắc, hương vị riêng có của những món ăn đã làm nên thương hiệu ẩm thực Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Những “tô phở quốc dân” hay “bánh mì là sandwich của Việt Nam” là những cái tên ưu ái mà người nước ngoài dành tặng cho chúng ta.

Tuy nhiên, làm thế nào để ẩm thực Việt được biết đến nhiều hơn, lại là câu chuyện dài hơi. Theo đó, cần có những chính sách để thúc đẩy du lịch, đặc biệt là du lịch ẩm thực để có thể quảng bá nhiều hơn các món ăn ngon khác, chứ không chỉ dừng lại ở những món quen thuộc như phở, bánh mì, hay hủ tiếu… Đồng thời, việc quảng bá không nên chỉ dừng trong nước mà nên mở rộng quy mô sang nước ngoài thông qua những chương trình giao lưu hữu nghị…

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.