Ngày 9/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thuỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) đã chủ trì Họp báo Ngày hội Văn hoá dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024. Đồng chủ trì có ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL), Ngày hội Văn hoá dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27/9 – 29/9 tại TP. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào dân tộc Chăm của 9 tỉnh, thành phố (Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh), đồng thời có sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.
Ngày hội là dịp tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế. Tăng cường quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có sự thống nhất và hòa hợp giữa các dân tộc...
Thông tin tại Họp báo, ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI sẽ có những hoạt động trọng tâm như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Chăm; Triển lãm Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam; Trưng bày ảnh về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; Triển lãm tranh mỹ thuật về văn hóa dân tộc Chăm...
Điểm nhấn của Ngày hội năm nay là Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch”, thảo luận về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của cộng đồng người Chăm, gồm kiến trúc, điêu khắc (đền tháp, phù điêu, tượng thờ), phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, vải thêu, hoa văn, gốm…
Dù được đánh giá cao trong việc bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhưng văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm vẫn đứng trước nguy cơ mai một. Chính vì vậy, Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nghệ nhân, nhà nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp trong công tác gìn giữ, bảo tồn để phát triển du lịch.
Đặc biệt, chương trình khai mạc với chủ đề "Lung linh sắc màu văn hóa Chăm" sẽ là dịp đồng bào Chăm tại 9 tỉnh, thành phố thể hiện những tiết mục đặc sắc nhất; qua đó khắc họa sâu sắc, ca ngợi truyền thống lịch sử, văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm trong công cuộc dựng nước và giữ nước, cũng như tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Chăm trong cộng đồng 54 dân tộc…