Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024), 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); căn cứ Điều 88, Điều 91 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật Đặc xá năm 2018, theo đề nghị của Chính phủ ngày 30/7/2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm đã ký Quyết định số 758 về đặc xá năm 2024.
Theo đó, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định đặc xá năm 2024 cho 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2024.
Theo danh sách này, có 561 người DTTS được Chủ tịch nước đặc xá năm 2024. Trong đó, dân tộc Mông có 60 người; Thái có 35 người; Mường có 49 người; Dao có 54 người; Tày có 121 người; Nùng có 70 người; Ê Đê có 8 người; Chăm có 6 người; Gia Rai có 11 người; Khmer có 29 người; 99 người thuộc các DTTS khác.
Phát biểu tại Họp báo, ông Phạm Thanh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế đối với bất kỳ phạm nhân nào, cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay là người có quốc tịch nước ngoài, nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều được xét đặc xá”.
Việc Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặc xá tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chính sách nhân đạo đó thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp, chính sách để tạo điều kiện cho những phạm nhân được đặc xá tha tù trở về nơi cư trú (gồm cả những phạm nhân được đặc xá và những phạm nhân hết hạn tù) sớm hòa nhập cộng đồng.