Theo đó, sẽ có khoảng 3,4 triệu người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay lại thị trường lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà tối đa 3 tháng, với 2 mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng và 1 triệu đồng/tháng. Kinh phí được chi từ gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, năm 2021, đặc biệt là đợt dịch thứ tư từ ngày 27/4/2021, thị trường lao động bị tác động tiêu cực theo nhiều chiều hướng: nguồn cung lao động suy giảm do người lao động lo sợ dịch bệnh nên đã tạm thời rút khỏi thị trường; số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao… Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, tác động mạnh đến việc làm, thu nhập, đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhất là trong khu vực cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội.
Theo Quyết định số 08, có hai nhóm chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động.
Đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm. Mức hỗ trợ: 500 nghìn đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện về thời gian thuê trọ: từ ngày 1/2 đến 30/6/2022. Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước 1/4/2022. Phương thức chi trả: hằng tháng hoặc có thể gộp 2 tháng, 3 tháng.
Đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm. Sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng,
Thời gian thuê trọ từ ngày 1/4 đến 30/6/2022. Có hợp đồng lao động hông xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 30/6/2022. Phương thức chi trả là hằng tháng.
Cả hai nhóm đối tượng này phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải có tên trong danh sách trả lương.
Để đảm bảo chi đúng đối tượng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công an, UBND các tỉnh thành… sẽ có những phối hợp để đảm bảo chính sách nhanh nhất, thuận tiện nhất cho người lao động./.
Theo quyết định 08, người lao động đang làm việc nhận hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).