Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay có sự tham gia của 205 người của 17 cộng đồng dân tộc, đến từ 13 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó: 100 người của 13 dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Mường (Hòa Bình); Thái (Sơn La); Khơ Mú (Nghệ An); Mông (Hà Giang); Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (TP. Hà Nội); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng). Đồng bào được huy động tham gia sự kiện: 30 người dân tộc Dao (Vĩnh Phúc); 30 người dân tộc Gia Rai (Đắk Lắk); 30 người dân tộc Thái (Thanh Hóa); 15 người dân tộc Khmer (Sóc Trăng).
Trong khuôn khổ sự kiện, đồng bào các dân tộc sẽ tham gia tổ chức các lễ hội, phong tục tập quán, dân ca dân vũ, ẩm thực… của dân mình, giới thiệu, quảng bá tới cộng đồng các dân tộc và du khách tham quan. Trong đó, tổ chức trích đoạn Lễ cầu phúc, cầu an của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên; Lễ cấp sắc của dân tộc Dao tỉnh Vĩnh Phúc; Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer; nghi lễ Kin chiêng boọc mạy của dân tộc Thái; nghi lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai.
Bên cạnh đó, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên và dân tộc Dao tỉnh Vĩnh Phúc; chương trình giao lưu “Ngày hội vùng miền các dân tộc phía Bắc”; Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer đón mừng năm mới; trình diễn giai điệu Tây Nguyên “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk”...
Song song, là hoạt động điểm nhấn tại mỗi không gian văn hóa của các nhóm đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng hòa nhịp Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam như: Giới thiệu không gian trưng bày, chế tác giới thiệu nghề truyền thống, diễn xướng, hòa tấu biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực…