Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nổi bật năm 2019

PV - 16:37, 27/12/2019

Năm 2019 đang dần khép với nhiều sự kiện trọng đại. Sau đây, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin bình chọn 10 sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch nổi bật của đất nước trong năm qua.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, cong người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đời sống văn hóa văn nghệ của người dân được nâng lên rõ rệt (Ảnh: TD)
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, cong người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đời sống văn hóa văn nghệ của người dân được nâng lên rõ rệt (Ảnh: TD)

1. Chuyển biến tích cực sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Năm qua, các tỉnh, thành phố đã tiến hành sơ kết, nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 33. Qua đó đã đánh giá toàn diện việc thực hiện các mục tiêu, 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp được nêu tại Nghị quyết. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp luật về văn hóa tiếp tục hoàn thiện, tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân. Hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật.

2. Thành tích vượt bậc tại SEA games 30.

SEA Games 30 diễn ra tại Philippines, đoàn thể thao nước nhà đã xuất sắc giành tất cả 287 huy chương, trong đó có 98 Huy chương Vàng ở tất cả các bộ môn, xếp thứ 2 tại SEA Games 30, vượt xa mục tiêu mà chúng ta đặt ra trước khi lên đường tham dự kỳ Đại hội thể thao này. Thành công tại SEA Games 30 góp phần khẳng định thể thao Việt Nam có đủ cả tâm lẫn lực để vượt ra khỏi tầm khu vực, vươn tới những đích xa hơn đó là châu lục và thế giới.

3. Bóng đá nam, nữ Việt Nam tạo đỉnh cao mới.

Tại SEA Games 30, sau hàng chục năm chờ đợi, đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam đã thi đấu quả cảm, xuất sắc vượt qua các đối thủ mạnh để mang về tấm Huy chương Vàng lịch sử. Cùng với đó, đội tuyển bóng đá nữ cũng lần thứ 6 giành Huy chương Vàng tại SEA Games. Với thành tích của môn thể thao vua, người hâm mộ đã trải qua những phút thi đấu nghẹt thở, được sống trong không khí của một lễ hội bóng đá thực sự với những cảm xúc thiêng liêng, trong niềm vui sướng, hân hoan, tự hào về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Với tấm Huy chương Vàng tại SEA games 30, bóng đá nam của chúng ta đã đạt đỉnh cao mới (Ảnh: TTXVN)
Với tấm Huy chương Vàng tại SEA games 30, bóng đá nam của chúng ta đã đạt đỉnh cao mới (Ảnh: TTXVN)

4. Luật Thư viện được thông qua với nhiều nội dung thúc đẩy phát triển thư viện và văn hóa đọc trong cả nước.

Đây là một Luật có ý nghĩa lớn, mang kỳ vọng tác động tích cực vào chiến lược phát triển văn hóa đọc. Mục đích quan trọng nhất của Luật Thư viện nhằm khuyến khích sự phát triển của thư viện, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng thư viện. Luật Thư viện ra đời cũng tạo được hành lang pháp lý và điều kiện, căn cứ để cụ thể hóa những chính sách cho các thư viện phát triển theo hướng phù hợp chung của thế giới, hoạt động thư viện đáp ứng được nhu cầu rất phong phú, đa dạng và luôn thay đổi của người đọc trong bối cảnh xã hội đang có những phát triển rất nhanh. Cùng với đó, Luật là căn cứ pháp lý cho các địa phương dựa vào đó để tăng cường sự đầu tư trong lĩnh vực thư viện.

5. Thực hành hát then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực hành hát then được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã có 13 di sản văn hoá phi vật thể được Tổ chức UNESCO ghi danh. Điều này chứng minh sự giàu có và phong phú của di sản văn hoá dân tộc.

6. Các sự kiện văn hóa được tổ chức nhằm tôn vinh và khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc.

Việt Nam lần thứ ba đăng cai thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc; Tuần văn hóa du lịch các tỉnh Hòa Bình, Bạc Liêu, Cà Mau…; Liên hoan phim truyền hình toàn quốc, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI… được tổ chức nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó cũng nhằm khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo,đa dạng và phong phú của dân tộc Việt.

Năm 2019 ngành Du lịch đạt được những thành tựu quan trọng .(Ảnh: TTXVN)
Năm 2019 ngành Du lịch đạt được những thành tựu quan trọng .(Ảnh: TTXVN)

7. Du lịch Việt Nam tiếp tục đạt được những dấu mốc quan trọng.

Năm 2019, du lịch Việt Nam ước đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16% so với năm 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%). Với kết quả trên, Du lịch Việt Nam đã về đích trước 1 năm so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020) và vượt chỉ tiêu 80% so với mục tiêu tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là đạt từ 10 - 10,5 triệu khách quốc tế vào năm 2020.

8. Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công nhiều hoạt động du lịch gây tiếng vang lớn.

Diễn đàn Du lịch ASEAN năm 2019, Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2019, Năm du lịch quốc gia 2019, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế năm 2019… qua những sự kiện này góp phần quan trọng quảng bá Đất và Người Việt Nam với bạn bè trong nước và quốc tế.

9. Năm 2019, du lịch Việt Nam nhận được nhiều danh hiệu giải thưởng du lịch toàn cầu.

Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards -WTA) lần thứ 26 dành cho khu vực châu Á và châu Đại Dương, Việt Nam đã được tôn vinh tại 4 hạng mục: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Hội An - Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á.

10. Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh đánh dấu nhiều bước tiến vượt bậc.

Lần đầu tiên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã dàn dựng và công diễn thành công kiệt tác ballet hùng vĩ “Hồ Thiên Nga” của nhà soạn nhạc Tchaikovsky. Trong năm qua, nhiều bộ phim như “Về nhà đi con”, “Nàng dâu order” “Lật mặt”, “Hai Phượng”, “Mắt biếc”… đã được dàn dựng và công chiếu gây hiệu ứng tốt cho công chúng, qua đó khẳng định bước tiến cũng như bước phát triển vượt bậc của điện ảnh nước nhà.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.