Tính đến 8 giờ ngày 19/9, theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, bão số 5 gây nhiều thiệt hại trên địa bàn các tỉnh.
Cụ thể, 1 người chết (Thừa Thiên - Huế); 1 người mất tích (tại Quảng Trị); 110 người bị thương (Thừa Thiên – Huế 95 người; Quảng Bình 9 người; Quảng Trị 5 người; Đà Nẵng 1 người). Về nhà ở: 10 nhà bị sập đổ hoàn toàn (Thừa Thiên Huế); 22.562 nhà bị tốc mái (Thừa Thiên - Huế 21.283 nhà; Quảng Trị 1.091 nhà; Hà Tĩnh 168 nhà; Nghệ An 5 nhà; Quảng Bình 15 nhà); 79 nhà bị ngập (Quảng Nam). Bên cạnh đó, 3 điểm trường bị ảnh hưởng; 15 phòng học bị tốc mái.
Về nông nghiệp; 115 ha lúa bị thiệt hại; 170 ha hoa màu bị thiệt hại; 1.149 ha cây lâm nghiệp; 300ha cây ăn quả bị thiệt hại; 40 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại; 80 cây xanh bị gãy, đổ (Đà Nẵng).
Về điện lực và viễn thông: 36 cột điện bị gãy đổ; 3 trạm biến áp bị hư hỏng; 3 trụ thông tin bị gãy; 15 tuyến cáp quang bị đứt do cây gãy đổ (Thừa Thiên - Huế). Nhiều địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế bị sự cố và mất điện (đến 7h ngày 19/9, Thừa Thiên - Huế đã khắc phục được 75%).
Cùng với đó, 3 điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh; 1 điểm trên Quốc lộ 9 qua địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị sạt lở; 2 điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh; 1 điểm trên tuyến đường 14G qua địa bàn huyện Đồng Giang, Quảng Nam bị sạt lở; 135 điểm đường liên xã thuộc huyện Tây Giang, Quảng Nam bị sạt lở; 1 cầu treo bị cuốn trôi. Hiện các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 5 đang khẩn trương tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các địa phương bị thiệt hại tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống. Theo dõi, cảnh báo mưa lớn sau bão kịp thời đến cộng đồng, người dân. Theo dõi chặt chẽ diến biến lũ trên các sông để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Đáng chú ý, tăng cường kiểm tra và triển khai di dời dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lụt. Kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để xử lý kịp thời mọi tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng vận hành điều tiết, khắc phục sự cố hồ chứa, đảm bảo an toàn công trình và hạ du./.