Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Xuôi dòng Phó Đáy

Ghi chép của Lê Na - 19:50, 11/08/2021

Dòng sông Phó Đáy hơn một trăm sáu chục cây số, đi qua ba tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Ở đoạn giữa, chiếm hơn nửa chiều dài sông, chảy qua Tuyên Quang. Nơi đây không những còn lưu dấu chân Bác Hồ, mà còn ghi đậm trong lịch sử cách mạng Việt Nam, những tư tưởng lớn và tình cảm của Người từ những năm bốn mươi, năm mươi thế kỷ trước.

Vùng trồng chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang)
Vùng trồng chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang)

Quốc lộ 2C trên địa phận huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã được mở rộng, nâng cấp. Đường được san gạt nhiều đèo dốc, cắt núi đồi, xóa đi các cua gấp. Việc nâng cấp con đường chiến lược này góp phần phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa cho một vùng ATK rộng lớn. Màu xanh của chè, ngô, của vườn cây ăn trái, đã che rợp cả nắng hè. Xe vào chở nặng vật liệu xây dựng, cột điện và hàng hóa cho nông dân. Xe ra ăm ắp ngô mía, sắn, nguyên liệu từ nông, lâm sản…

Trung tâm hành chính các xã Phú Thịnh, Đạo Viện, Trung Sơn, Hùng Lợi thuộc huyện Yên Sơn thay đổi diện mạo nhanh đến thế. Những nhà cao tầng, nhà hàng, cửa hiệu, sơn sáng láng thi nhau vươn lên. Ba chợ phiên nối tiếp nhau từ thứ Sáu đến Chủ nhật là Trung Minh, Hùng Lợi và Trung Sơn. Hàng hóa ở đây không thiếu gì. Rất phong phú những sản vật từ rừng. Măng bày bạt ngàn, đủ loại. Măng đã luộc sẵn, hoặc còn nguyên vỏ. Rau rừng bò khai, phắc khỉ của người Tày, người Dao non mơn mởn. Người Mông áo váy đỏ, hoa văn sặc sỡ. Người Nùng áo chàm xanh, nhẹ nhàng. Người Dao áo đen, hoa văn đỏ khiêm nhường… cùng nhau xuống chợ. Nơi đây có 5 dân tộc anh em cùng chung sống là Dao, Mông, Kinh, Nùng, Tày nên có sự giao thoa mạnh mẽ giữa văn hóa của người Kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số… Ở các chợ phiên, hầu như người nào đi chợ cũng mang theo điện thoại di động. Các cô gái Nùng, Mông đứng chụp ảnh selfie giữa chợ. Bà già người Dao bán rau rừng dắt điện thoại vào túi. Rất vui!

Chuyến đi trước, tôi cùng mấy bạn nhiếp ảnh địa phương đến vùng hoang sơ nhất, nhiều cây rừng, có suối chảy bên đường, gần bản người Dao Lô Gang thì dừng ăn trưa. Hỏi ra chúng tôi mới hay, đó là thôn Bản Pài, nơi xưa Bác Hồ cũng đã dừng chân nghỉ lại. Đi một đoạn, thấy tấm bia đá ven đường. Văn bia ghi: “Nơi các đồng chí cán bộ cách mạng ở, hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Nơi đồng chí Hồ Chí Minh nghỉ chân khi Người từ Pắc Pó về Tân Trào, ngày 20/5/1945”.

Trải nghiệm cánh đồng lúa hữu cơ của thôn Tân Lập, xã Tân Trào
Trải nghiệm cánh đồng lúa hữu cơ của thôn Tân Lập, xã Tân Trào

Đến Trung Minh, lần nào tôi cũng không quên tìm đến nhà ông Chu Tuần Ngân. Ông là người Dao Tiền, nay đã bước sang tuổi bảy mươi lăm. Từ năm 1986 đến năm 2004, ông làm Chủ tịch rồi làm Bí thư Đảng ủy xã cho đến 2010 thì nghỉ chế độ. Năm 2017, ông đã nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Ông vẫn say mê với nghề truyền dạy chữ Nho và xây dựng các đội hát páo dung cho những người yêu thích. Đặc biệt, ông thuộc nhiều bài thơ của Bác Hồ, viết thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc, như bài Đi thuyền trên sông Đáy, Rằm tháng Giêng, Cảnh rừng Việt Bắc

Bản Pài có con suối từ hang núi Khau Gia, nguồn nước tưới cho lúa ruộng và phục vụ đời sống cho bà con, nhưng nay đã khô cạn. Một thời bà con đốt nương phá rừng vô tội vạ, hiểm họa đã ập đến. Nay được tuyên truyền, người dân đã biết trồng và phát triển rừng. Nhiều hộ đi lên từ trồng keo, mỡ…

Chu Tiến Sử, một trai bản chở tôi tìm đến Khuổi Chang. Chiếc xe máy theo con đường rừng, lao ngược núi, khi thì chênh vênh bên bờ sông. Sau mưa, đường trơn trượt, nhiều chỗ tôi phải xuống đi bộ. Tiếng chim ríu ran khắp đồi nương. Những bông chuối rừng vừa bén lửa. Tôi reo lên khi lội xuống nguồn nước trong veo phía thượng nguồn, nơi khúc sông Bác Hồ đã từng vượt qua trên đường từ Pắc Pó về Tân Trào. Một thói quen, tôi vốc nước lên mặt. Phia bên kia bờ là Khuổi Chang có bia di tích lịch sử. Dòng chảy siết và khá sâu nên chúng tôi không thể vượt sang. Lòng sông chỗ này rộng tới hai chục mét. Những tảng đá lớn nhỏ, ngổn ngang do bà con chặn dòng làm thủy điện nhỏ. Đây là nơi giáp ranh giữa bản Khuổi Chang, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) với bản Vằng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Theo tiếng Tày, “vằng” là vực nước sâu và rộng. Nơi đây, làng bản thưa vắng. Những vạt ngô sắp cho thu hoạch. Một vài lán coi rẫy của người Mông.

Cầu treo Vằng On (thuộc xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang)
Cầu treo Vằng On (thuộc xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang)

Xuôi sông, qua cây cầu treo bắc qua sông dài cả trăm mét, nối liền hai khu của bản Vằng On. Lúa đang xanh ruộng. Trâu bò thung thăng gặm cỏ trên đồi. Vằng On xưa nhiều tôm cá và là nguồn nước tưới ruộng. Từ khi có cây cầu và đường bê tông, bà con phấn khởi lắm. Hơn chín mươi hộ Mông và Dao Lô Gang đã bên nhau xây dựng bản làng.

Về Hùng Lợi, nguồn nước từ các con suối nhỏ, Năm Lìn, Thôm Tấu chảy hòa vào sông Phó Đáy. Rồi qua Trung Sơn, Kim Quan xuôi về huyện Sơn Dương qua các xã Trung Yên, Minh Thanh và Tân Trào, sông nhận thêm nguồn nước từ suối Lê, Khuôn Pén, suối Thia… Dòng sông rộng ra, bằng lặng hơn. Đôi bờ ngô lúa, mía, rau, xanh ngợp đất. Cây ven sông mùa nào thức ấy, hoa thơm, trái trĩu.

Quốc lộ 2C uốn lượn theo sông. Phấn ngô thơm ngào ngạt. Thơm như thể không cầm lòng được. Tôi dừng xe. Cả một dải thung lũng dọc hai bên bờ, ngô đang trổ cờ. Như triệu triệu bàn tay nhỏ xíu xòe ngón, giơ lên trời. Những vùng ngô miên man, bên những thôn bản đang sáng lên nhà tầng, mái ngói.

Bóng đa xanh Đình Hồng Thái và rặng duối Đình Tân Trào đã che trùm bóng mát. Tôi đi dưới những vũ điệu xanh của duối. Hàng cây tự ngàn xưa đã làm thành vòm trời xanh cài hoa nắng.

Chị Hoàng Thị Phong, dân tộc Nùng ở thôn Hang Bòng, xã Tân Trào thu hoạch thanh long
Chị Hoàng Thị Phong, dân tộc Nùng ở thôn Hang Bòng, xã Tân Trào thu hoạch thanh long

Rẽ thôn Hang Bòng, Trưởng thôn Ma Văn Yên, 51 tuổi tâm sự: Mấy năm qua bà con đua nhau phát triển kinh tế. Trước đây chỉ có ngô lúa, khoai sắn, nay bà con chăn nuôi, trồng trọt hoa màu, cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa. Hộ chị Hoàng Thị Phong (44 tuổi, dân tộc Nùng), vài năm trước, vợ chồng chị đi làm thuê, nay làm trang trại với 4.000 gốc thanh long. Năm 2019, thu hoạch thanh long được khoảng 300 triệu đồng. Năm 2020, gia đình lại đầu tư mở rộng diện tích lên 4.200 gốc và tập trung khâu chăm sóc, ước tính ngót chục tấn. Năm 2021 đang vào vụ, trái thanh long treo đỏ cây. Cả một triền đồi đỏ rực. Rất nhiều du khách đã tới đây tham quan và thương lái khắp nơi đặt hàng. Tiếc là dịch Covid-19, nên đầu ra trái thanh long đang bị hạn chế.

Vĩnh Tân là tên ghép của người Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với Tân Trào. Những đồi chè có độ dốc cao, san sát bên nhau rộng hàng trăm ha. Đường bê tông đưa chúng tôi tới tận khu sản xuất. Những vệt chè xanh biếc, lượn từ chân lên đỉnh đồi. Chè Vĩnh Tân đã có thương hiệu, được người tiêu dùng biết đến. Chè cùng cây lúa hữu cơ của thôn Tân Lập, hoàn toàn không sử dụng hóa chất đang làm nên một vẻ đẹp mới của vùng quê cách mạng.

Từng bậc đá mòn vẹt dẫn tôi về căn lán nhỏ. Dốc lên ngân vang khúc ca về Bác Hồ. Ngôi nhà mái lá đơn sơ của vị Lãnh tụ làm muôn triệu người trong và ngoài nước xúc động. Xin được thắp nén tâm hương thành kính dâng lên Người. Thưa Bác, con đã xuôi theo dòng sông xưa Người đã làm thơ để về đây bên mái lán này. Để hiểu thêm một tấm lòng và cả cuộc đời Người đã vì Dân vì Nước mà chịu đựng gian khó. Những nơi con qua, những đồng bào các dân tộc con đã gặp luôn một lòng một dạ đoàn kết đi theo con đường của Bác. Chiến khu Việt Bắc mãi xứng danh là trang sử hào hùng, mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam.


Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.