Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xuất khẩu lao động có nhiều khởi sắc

PV - 11:21, 10/07/2018

Thời gian qua, tình trạng lao động chui qua biên giới vẫn diễn ra ở nhiều địa phương tỉnh Bắc Giang, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để ngăn chặn thực tế này, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn; trong đó đẩy mạnh thông tin, vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) chính thức để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

Được sống trong ngôi nhà trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, với đầy đủ tiện nghi điều hòa, tủ lạnh, máy giặt… nên gia đình ông Khúc Văn Chương, dân tộc Tày ở thôn Mo Reo, xã An Lạc, huyện Sơn Động luôn tràn ngập tiếng cười. Chia sẻ về niềm vui này, ông Chương bộc bạch, việc gia đình ông quyết định cho 2 người con trai xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc là quyết định đúng đắn. Bởi ban đầu, gia đình cũng có chút lưỡng lự vì con ông mới học xong phổ thông; trình độ tay nghề gần như không có gì lại chưa xa nhà bao giờ. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của chính quyền cũng như sự quyết tâm của 2 cậu thanh niên, ông đã đồng ý cho con tham gia chương trình ưu đãi dành cho lao động 63 huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đến nay 2 con của ông đã ổn định, thu nhập trung bình 30 triệu đồng/người/tháng.

Người lao động tham gia XKLĐ hứa hẹn tương lai tốt đẹp hơn. Người lao động tham gia XKLĐ hứa hẹn tương lai tốt đẹp hơn.

Cách nhà ông Khúc Văn Chương không xa, gia đình anh Châu Văn Dương cũng đang có nhiều thay đổi. Trước đây, gia đình anh Dương thuộc diện hộ nghèo với 5 miệng ăn, mặc dù 2 vợ chồng rất chịu khó nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Rất may, năm 2015, anh được tham gia chương trình xuất khẩu lao động thời hạn 5 năm tại Hàn Quốc. Qua hơn 2 năm, anh đã gửi về gia đình tiền để thanh toán toàn bộ nợ nần trước khi đi, nay có thêm một khoản để dành chăm lo cuộc sống.

Bà Vi Thị Tú, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sơn Động vui mừng nói, những năm gần đây, chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động lan tỏa đến khắp các bản vùng cao. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thành viên của Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm và đào tạo nghề huyện Sơn Động thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và sẵn sàng hỗ trợ khi người dân có nhu cầu.

Toàn huyện hiện có 1.000 người đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm gửi về cho người thân hàng chục tỷ đồng. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp người dân từng bước cải thiện đời sống, địa phương giảm số hộ nghèo và cận nghèo. Trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 5%, hiện chỉ còn 41,22%.

Theo ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng Việc làm- An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động cho người nghèo. Trong đó, tăng cường thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg về thực hiện Đề án hỗ trợ huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020. Theo đó, 215 gia đình thuộc huyện Sơn Động (huyện nghèo 30a -pv) được vay ưu đãi hơn 18,4 tỷ đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Hiện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý hơn 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ lao động là người DTTS, hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng chi phí học nghề, làm visa, hộ chiếu, khám sức khỏe khi đi xuất khẩu lao động.

Qua sự hỗ trợ này, năm 2017 toàn tỉnh Bắc Giang có gần 4000 lao động đi xuất khẩu lao động, tăng gần 300 người so với kế hoạch, tập trung chủ yếu ở các huyện: Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang, Sơn Động. Trong số này có 25% thuộc hộ nghèo, cận nghèo, DTTS. Trong 6 tháng đầu năm 2018, con số này tiếp tục có chiều hướng gia tăng.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, việc tăng cường xuất khẩu lao động, cũng góp phần đẩy lùi lao động chui qua biên giới tại Bắc Giang. Điển hình là huyện Lục Ngạn năm nào cũng đứng đầu về thực trạng lao động chui. Tuy nhiên con số này đã ngày càng giảm. Cụ thể năm 2014, huyện Lục Ngạn có hơn 4.000 người, năm 2015 là 2.000 người, năm 2016 là 1.800 người và năm 2017 còn khoảng 1.700 người. Đây là một tín hiệu mừng là nền tảng vững chắc để lao động vùng dân tộc và miền núi tỉnh Bắc Giang được đảm bảo về quyền lợi chính đáng, thoát nghèo bền vững.

THIÊN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.