Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xuân này về miền Tây

PV - 09:05, 05/02/2018

Xuất phát điểm thấp, nội lực yếu nhưng kết thúc năm 2017, nhiều địa phương khó khăn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã “cán đích” trong xây dựng nông thôn mới; đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Kết quả này đã phản ánh một cách đầy đủ quyết tâm “chuyển mình” của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các tầng lớp nhân dân từ việc vận dụng hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

Bước nhảy vọt ở các xã 135

Chúng tôi về xã Khánh Hòa (huyện U Minh, Cà Mau) khi mai vàng đã khoe sắc trong tiết trời se lạnh, thời tiết vốn rất hiếm gặp ở miền đất phương Nam này. Mới năm ngoái thôi, Khánh Hòa còn là xã khu vực III của tỉnh, được thụ hưởng Chương trình 135. Ấy mà kết thúc năm 2017, xã 135 Khánh Hòa đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trở thành xã đầu tiên “cán đích” nông thôn mới (NTM) của tỉnh Cà Mau.

Công tác giáo dục vùng DTTS luôn được các cấp, các ngành dành sự quan tâm đặc biệt. Công tác giáo dục vùng DTTS luôn được các cấp, các ngành dành sự quan tâm đặc biệt.

 

Theo ông Phạm Hồng Ngự, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hoà, khi mới bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM (năm 2011), Khánh Hoà chỉ đạt 4/19 tiêu chí. Đến hết năm 2016, nhiều tiêu chí vẫn đạt rất thấp, nhất là thu nhập bình quân của người dân chỉ khoảng 14 triệu đồng/năm.

“Năm 2017, sau khi rà soát lại hộ nghèo theo tiêu chí mới, xã đã ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế phù hợp với tập quán canh tác sản xuất; trong đó riêng đầu tư hỗ trợ các mô hình nuôi heo giống, với kinh phí 270 triệu đồng”, ông Ngự chia sẻ.

Nhờ tập trung vốn hỗ trợ sản xuất, nhiều gia đình ở xã Khánh Hòa đã có được sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Như hộ anh Võ Cao Thượng, từng là hộ nghèo của xã, được hỗ trợ cặp heo giống, sau 4 tháng nuôi, anh Thượng bán 1 con được 4 triệu đồng, còn lại 1 con anh Thượng nuôi trở thành heo mẹ. Sau vài tháng chăm sóc, heo giống của gia đình anh Thượng đẻ được 11 heo con. “Theo giá hiện nay, 10 con heo thịt sắp tới bán dịp Tết, tôi cầm chắc 40 triệu đồng. Bầy heo con lứa 2 được 7 con cũng sắp rã bầy”, anh Thượng nhẩm tính.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa, thực hiện xây dựng NTM, bên cạnh sự nỗ lực của người dân thì việc linh hoạt lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ là hết sức quan trọng. Chỉ trong 5 năm (2011-2016), xã Khánh Hoà đã huy động được hơn 348 tỷ đồng để xây dựng NTM. Đáng mừng hơn, trong đó có hơn 120 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công, hàng nghìn mét vuông đất do người dân đóng góp. Từ nguồn vốn này, xã đã tập trung xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi và các công trình phúc lợi.

Cũng như xã Khánh Hòa của tỉnh Cà Mau, năm 2017, nhiều xã 135 ở Tây Nam bộ cũng đã “cán đích” NTM. Đáng chú ý là những xã có xuất phát điểm rất thấp như xã Định Hòa (Gò Quao, Kiên Giang). Toàn xã có 3.707 hộ, đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 63%. Nhưng với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, thu nhập bình quân ở Định Hòa tăng mạnh theo từng năm. Nếu như năm 2014, thu nhập bình quân chỉ đạt 30,5 triệu đồng/người/năm thì năm 2016 tăng lên 39,4 triệu đồng/người/năm; hết năm 2017 đạt mốc 45 triệu đồng/người/năm.

Cú huých từ những quyết sách

Theo ông Sơn Minh Thắng, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương, Nguyên Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đời sống đồng bào các dân tộc ở khu vực có bước chuyển mình mạnh mẽ như hôm nay, có vai trò quan trọng của các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Các chính sách này là bước cụ thể hóa Chỉ thị 68/CT-TW, ngày 18/4/1991, của Ban Bí thư về công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Khu dân cư tập trung của đồng bào Khmer huyện Cờ Đỏ TP. Cần Thơ được hình thành từ chính sách đất ở dành cho đồng bào DTTS. Khu dân cư tập trung của đồng bào Khmer huyện Cờ Đỏ TP. Cần Thơ được hình thành từ chính sách đất ở dành cho đồng bào DTTS.

 

Ông Sơn Minh Thắng cho biết, thực hiện Chỉ thị 68/CT-TW, nguồn lực từ các chương trình, dự án đã bố trí hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào Khmer Tây Nam bộ. Các địa phương đã linh động lồng ghép các chương trình, dự án cùng với chính sách dân tộc, góp phần giúp cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo trong khu vực được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, được vay vốn phát triển sản xuất.

Đáng chú ý, thực hiện Chương trình 135-giai đoạn III, khu vực Tây Nam bộ có 151 xã và 209 thôn ĐBKK (trong đó có 48 xã biên giới) được thụ hưởng. Các địa phương đã xây dựng trên 1.020 công trình và hàng trăm dự án phát triển sản xuất với tổng kinh phí trên 482 tỷ đồng.

Nhờ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, chính sách dân tộc, bộ mặt nông thôn của các xã ĐBKK ngày càng đổi thay. Nhờ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, chính sách dân tộc,bộ mặt nông thôn của các xã ĐBKK ngày càng đổi thay.

 

Đến nay, các xã ĐBKK đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, số hộ có điện sử dụng trên 95%, có nước hợp vệ sinh trên 80%. Văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy. Việc chăm sóc sức khỏe, cấp thẻ BHYT cho đồng bào luôn đạt tỷ lệ cao. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer trong khu vực giảm còn dưới 20%; nhiều hộ thoát nghèo bền vững, làm giàu và có cơ hội giúp đỡ hộ nghèo làm kinh tế.

Có thể nói, giờ đây đến bất kỳ vùng quê nào của Tây Nam bộ, cũng không khó để nhận ra sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS. Những cánh đồng lúa, vạt ngô, rau màu trải dài; những ngôi nhà kiên cố thay thế mái lá lụp xụp. Nước sạch về đến phum, ấp. Ánh sáng điện kéo đến từng hộ dân soi rọi cho các em nhỏ ê a học bài. Đặc biệt, hệ thống giao thông ở nhiều địa phương được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa. Mùa xuân này chắc hẳn là một mùa xuân đầy niềm vui và hy vọng đối với đồng bào DTTS vùng Tây Nam bộ.

HẠNH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ngày 26/12, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (Chương trình MTQG 1719) tại các huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Đoàn công tác do ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu. Cùng dự làm việc có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn 2 huyện.