Những cư dân của LàngNhững ngày đầu năm mới, lên Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, có thể cảm nhận ngay không khí mùa Xuân đã rộn ràng khắp không gian các Làng: Tày, Mường, Thái, Dao, Mông, Khơ-mú, Ê-đê, Cơ-tu, Tà Ôi, Raglai, Khmer. Cư dân của các Làng vừa hướng dẫn khách đến thăm quan Làng mình, vừa gấp rút chuẩn bị các trò chơi vui Xuân.
Ở không gian Làng văn hóa dân tộc Tày, những cây đu đã được dựng lên để thực hiện các trò chơi dân gian của người Tày. Cư dân của Làng Tày có 8 người, đến từ các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn. Mỗi người một nơi nhưng khi về Làng đã gắn bó với nhau để cùng góp sức làm lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với du khách gần xa.
Bà Nguyễn Thị Xuyến, Trưởng nhóm cộng đồng dân tộc Tày cho biết, bà gắn bó với Làng đến nay đã được 16 tháng. Về đây tiếp xúc với nhiều đoàn du khách đến thăm quan, bà rất vui và tự hào khi được giới thiệu cho du khách hiểu thêm về bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Bà Xuyến bảo, 8 cư dân của làng, khi có khách thì thay phiên nhau làm hướng dẫn viên. Những lúc không có khách thăm quan, mỗi người mỗi việc: trồng rau, xới cỏ, chăm gà, lau chùi, quét dọn, đan lát,…
Giới thiệu với một phụ nữ đang ngồi đan giỏ lưu niệm ở dưới nhà sàn, bà Xuyến bảo: “Đây là chị Nguyễn Thị Chiến, xuống từ Chợ Đồn, Bắc Kạn, nhà ở tận bản Tắm, xã Yên Nhuận đấy. Khi quyết định về họat động thường xuyên ở đây, lúc đầu chồng cô ấy cũng không ưng lắm đâu”.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Chiến cho biết: Tháng 2/2017, chị cùng nhóm các nghệ nhân dân tộc Tày ở huyện Chợ Đồn đã xuống Làng để trình diễn, giới thiệu một số làn điệu hát then, đàn tính. Sau đó, Ban Quản lý Làng mời chị về “Ngôi nhà chung” tham gia các hoạt động văn hóa thường xuyên tại không gian Làng văn hóa dân tộc Tày. Ban đầu, chồng chị không muốn cho vợ đi xa. Nhưng cuối cùng, anh cũng đồng ý để vợ làm cư dân mới của Làng.
Rời Làng Văn hóa dân tộc Tày, chúng tôi sang Làng Văn hóa dân tộc Mông, gặp chị Lù Thị Sáng (quê Vị Xuyên, Hà Giang) đang ngồi bên bếp lửa cất những mẻ rượu ngô thơm lừng. Chị Sáng cho biết, chị cùng chồng là Sùng Chúa Dình xuống đây từ tháng 8/2017. Hôm nay, chồng chị đang về Hà Giang đón thêm bà con xuống Làng sinh sống.
Tại Không gian Làng Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, chị HLak Mlo, Trưởng nhóm cho biết, Làng hiện có 7 cư dân (2 nam, 5 nữ) đang gắn bó sinh hoạt trong một nhà dài. Bản thân chị lần đầu tiên ra trình diễn văn hóa tại Làng hồi tháng 2/2016, sau đó về quê hương được 1 tháng, lại thấy nhớ Hà Nội nên lại xin ra đây để được gắn bó lâu dài.
“Ở nhà có 1,5ha rẫy cà phê và tiêu, có quán bán hàng tạp hóa, làm thêm nghề may nên hằng tháng thu nhập từ 5-6 triệu đồng. Nhưng vì yêu Làng, muốn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Ê-đê nên chị đã gác lại mọi công việc của gia đình để về “Ngôi nhà chung”, chị HLak Mlo cho biết.
Tạo cơ chế để “định cư”Với tình yêu và tâm huyết giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống của dân tộc mình, các thành viên thuộc 11 cộng đồng các dân tộc gần 2 năm nay đã tình nguyện “thường trú” tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Nhờ có các chủ nhân tái hiện thường xuyên các hoạt động văn hóa đã giúp “Ngôi nhà chung” luôn “đỏ lửa, sáng đều”, kéo du khách tới thăm quan ngày một tăng.
Theo ông Lâm Văn Khang, Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, từ năm 2011-2014, mỗi năm Làng chỉ đón từ 150.000-200.000 lượt khách; năm 2015, tăng lên 250.000 lượt khách. Từ năm 2016, 2017, Làng đón hơn 500.000 lượt khách/năm. Dự kiến từ năm 2018-2020, lượng khách sẽ tăng lên đạt mức 800 nghìn đến 1 triệu lượt khách/năm.
Việc vận động cộng đồng các dân tộc gắn bó với “Ngôi nhà chung” là một cách làm sáng tạo nhằm phát huy giá trị của dự án Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch này là mức hỗ trợ kinh phí cho đồng bào còn quá thấp.
Khi trao đổi với nghệ nhân Sơn Del ở Không gian Làng văn hóa dân tộc Khmer, chúng tôi nhận được những chia sẻ thật lòng. Ông Sơn Del cùng vợ là nghệ nhân Lâm Thị Hương, Trưởng Đoàn nghệ thuật Rô băm từ Sóc Trăng ra gắn bó với Làng từ tháng 4/2016 đến nay. Khi về “Ngôi nhà chung”, ông cùng vợ và các diễn viên Rô băm, được hỗ trợ kinh phí mỗi tháng 1,5 triệu đồng/người. Số tiền này không đủ để các nghệ nhân, diễn viên trang trải chi phí sinh hoạt, ăn uống cho cả tháng.
Theo ông Lâm Văn Khang, Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống lâu dài tại Làng, Ban Quản lý Làng đã tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích bà con tự khai thác, phát huy các sản phẩm văn hóa của dân tộc mình để bán cho du khách nhằm có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, để thực sự gắn bó lâu dài, thu hút thêm nhiều cộng đồng dân tộc khác về “định cư” tại Làng thì vẫn cần thêm cơ chế, chính sách để hỗ trợ.
NGỌC ÁNH