Sau hơn 7 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt tỉnh Lào Cai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng: Điện, đường, nhà văn hóa thôn bản... được xây dựng khang trang đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, sau một thời gian đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn NTM, đã và đang có tình trạng một số xã bị tụt tiêu chí trong bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.
Năm 2015, xã Nghĩa Đô của huyện Bảo Yên hoàn thành xây dựng NTM. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm về đích đến nay xã Nghĩa Đô đang bị tụt tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo. Ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện Bảo Yên cho biết: Tại thời điểm xã được công nhận NTM, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 45,5% (năm 2010) xuống 9,58% (năm 2015). Tuy nhiên, khi áp dụng tiêu chí hộ nghèo đa chiều 2016 thì tỷ lệ hộ nghèo của xã tăng lên tới 33,88%. Theo đó, xã đã bị tuột tiêu chí hộ nghèo trong bộ tiêu chí xây dựng NTM.
Cũng trong năm 2015, xã Tả Phời của TP. Lào Cai cũng về đích xây dựng NTM. Tuy nhiên, sau khi áp dụng phương thức điều tra về nghèo đa chiều, nhiều hộ gia đình tại xã này lâm cảnh tái nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã NTM Tả Phời tăng lên 23,4% với 331 hộ, nằm ở khung không đạt.
Bà Vi Thị Hởi, Chủ tịch xã Tả Phời cho biết: Hiện tại, Tả Phời còn 8 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tuy là xã thuộc thành phố, nhưng có những thôn cách trung tâm xã tới 20km. “Khi điều tra theo chuẩn nghèo đa chiều rất nhiều thôn có tỷ lệ hộ nghèo tăng vọt. Ví dụ như thôn Láo Lý có tỷ lệ hộ nghèo 100%, thôn Phìn Hồ 70%. Ở những thôn này, tỷ lệ hộ nghèo về thu nhập chiếm khoảng 60%, còn lại là các tiêu chí khác.
Sau một thời gian nỗ lực với nhiều giải pháp căn cơ để giúp các hộ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tới nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Tả Phời đã giảm xuống còn 16,9%. Bà Hởi cho biết, xã sẽ tiếp tục phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ của cái nghèo, từ đó giúp người dân thoát nghèo. “Chúng tôi đang vận động người dân vay vốn ngân hàng để chăn nuôi sản xuất. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cây, con giống giúp người dân làm ăn. Hiện đã có 2 doanh nghiệp về xã đầu tư mô hình trồng rau sạch, thu hút được một số lao động nghèo tham gia. Bên cạnh đó, xã sẽ đứng ra làm cầu nối, giúp các hộ nghèo được học nghề, tìm kiếm việc làm. Phát triển vùng chè dự án chất lượng cao, từ đó nâng cao thu nhập, giúp người dân thoát nghèo”, bà Hởi cho biết thêm.
Như vậy, nguyên nhân chính khiến cho các xã bị tụt NTM là do tiêu chí đó tỷ lệ hộ nghèo tăng cao. “Yêu cầu về chuẩn nghèo đa chiều cao hơn so với bộ tiêu chi cũ nên rất khó khăn đối với các xã vùng sâu, vùng xa. Để giải quyết vấn đề này chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có thêm nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt là hỗ trợ sinh kế đối với những hộ nghèo để họ có điều kiện nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo”, ông Hà Văn Quang kiến nghị.
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai cho biết, trong 28 xã được công nhận đạt chuẩn từ trước năm 2016 thì có 24 xã duy trì đủ 19/19 tiêu chí. 4 xã không duy trì được gồm xã Tả Phời (TP.Lào Cai) tiêu chí hộ nghèo; xã Nậm Cang (huyện Sa Pa) bị tụt 4 tiêu chí là thu nhập, hộ nghèo, quốc phòng an ninh và hệ thống chính trị; xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) tụt 2 tiêu chí là thu nhập và hộ nghèo. Riêng xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) không giữ được tiêu chí về nhà ở dân cư.
TRỌNG BẢO