Phát triển cây trồng thế mạnh
Năm 2016, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Hoài Ân theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020, huyện đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ tiến hành quy hoạch diện tích trồng cây ăn quả có thế mạnh tại 10 xã, trong đó diện tích quy hoạch trồng bưởi là 771ha, bơ 420ha, cây ăn quả khác 236ha. Đến nay, đã có 61 hộ tham gia trồng bưởi da xanh theo Đề án với diện tích trên 40ha.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân, qua khảo sát và đánh giá của Viện Nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, bưởi da xanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Chất lượng bưởi được đánh giá ngon, ngọt, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ. Hiện, diện tích trồng bưởi da xanh toàn huyện là 192ha, nguồn giống được nhập trực tiếp từ Viện Cây ăn quả miền Nam (tại tỉnh Tiền Giang).
Thực hiện Dự án (DA) “Áp dụng công cụ nâng cao năng suất chất lượng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt-VietGAP tại huyện Hoài Ân” thuộc DA “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2020” (DA thuộc quản lý của Sở KH&CN), từ tháng 5/2018 đến hết tháng 5/2019, UBND huyện Hoài Ân giao Trạm Khuyến nông (KN) huyện phối hợp với ban, ngành liên quan triển khai mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ tham gia Đề án đều được hỗ trợ 100% giá trị cây giống, 50% chi phí khoan giếng nước tưới, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP.
Ông Huỳnh Công Chính, người trồng bưởi tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, cho biết: “Hơn 10 năm trồng bưởi da xanh, tôi thấy cây bưởi da xanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, cây sinh trưởng và phát triển tốt, trồng 4-5 năm thì có trái để bán ra thị trường. Hơn 100 gốc bưởi của gia đình tôi, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. So với nhiều loại cây trồng khác, thì bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần”.
Xây dựng nhãn hiệu tập thể
Ông Vũ Văn Minh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hoài Ân, cho biết: Đầu năm 2018, UBND huyện giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng và các phòng, ban liên quan phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin (Sở KH&CN) thực hiện quy trình đề nghị công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Bưởi Hoài Ân”; toàn bộ thủ tục đã hoàn tất trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN).
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, địa phương tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân”. Trong đó tập trung hình thành các nhóm liên kết để các hộ trồng bưởi hỗ trợ về mặt kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ về tiêu thụ. Song song việc xây dựng sản phẩm bưởi sạch, huyện Hoài Ân tập trung mở rộng thị trường, bước đầu hướng ra các tỉnh trong khu vực miền Trung. Tiếp đó, sẽ hình thành chuỗi liên kết, mở rộng diện tích, đầu tư công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP để bưởi Hoài Ân đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hiện, bưởi xanh Hoài Ân bán tại vườn có giá từ 30.000-40.000 đồng/kg; thời điểm Tết âm lịch có giá cao từ 50.000-60.000 đồng/kg. Nhờ giá trị kinh tế từ cây bưởi mang lại khá cao, vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân có thu nhập khá cao và ổn định. Huyện Hoài Ân đang khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi, xem đây là hướng thoát nghèo, làm giàu của người dân.
LÊ PHƯƠNG