“Nước xuống, thuyền vẫn neo”
Kể từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng trong nước đã liên tiếp hạ 4 lần, với tổng mức giảm gần 7.000 đồng/lít. Tuy nhiên, trái ngược với giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, giá cả nhiều loại hàng hóa vẫn ở mức cao khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn.
Như tại Hà Giang, tại thời điểm tháng 6/2022, theo số liệu của Sở Tài chính, giá thịt lợn hơi (thịt lợn trắng) ở mức 60 nghìn đồng/kg, tăng 7 nghìn đồng/kg so với thời điểm tháng 5 (tăng 13,21%). Còn tại thời điểm này, khi giá xăng dầu đã giảm lần thứ tư liên tiếp, giá thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh lại tăng lên, ở mức khoảng 65 nghìn đồng/kg.
Không chỉ thực phẩm, mà giá các giống cây trồng, vật nuôi cũng tăng theo đà tăng của xăng dầu, khi giá xăng dầu giảm thì giá hàng hóa vẫn “neo” lại. Tại Hà Giang, tại thời điểm tháng 6, tham khảo bảng giá tại Công ty Cổ phần vật tư Nông lâm nghiệp tỉnh, thì giá giống lúa Thiên ưu 8 cấp XN1 ở mức 38 nghìn đồng/kg, tăng 8,57% so với tháng 5; giống ngô HN88, cấp F1 có giá 320 nghìn đồng/kg, tăng 3,23% so với tháng trước; giống lúa Khang dân 18 có giá 20 nghìn đồng/kg, tăng 25% so với tháng trước…. Đến nay, giá các loại giống cây trồng này vẫn “neo” ở mức giá của tháng 6.
Thực tế, từ đầu năm cho đến hết tháng 6, khi giá xăng dầu liên tục tăng đã kéo theo giá cả nhiều loại hàng hóa tăng chóng mặt. Nhưng từ tháng 7 đến nay, giá xăng đã “hạ nhiệt” mà nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn không giảm, thậm chí có một số hàng hóa còn tăng lên.
Lý giải điều này, tại Tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – Thực trạng và giải pháp” được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ diễn ra chiều 4/8, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương cho rằng, các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu, phải tiến hành rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua. Điều này, dẫn tới độ trễ trong giảm giá hàng hóa khi giá xăng dầu giảm.
Đồng tình với độ trễ trong chu kỳ điều chỉnh giá hàng hóa của các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhưng chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, độ trễ này kéo dài là không thuyết phục. Theo ông Lực, thông thường các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm như vậy, giả sử họ giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan, thì họ lại sợ rằng, sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình.
“Tôi cho rằng đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống. Tôi đồng ý có độ trễ, nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay”, ông Lực nói.
Nỗ lực kềm chế lạm phát ở mức 4%
Đồng quan điểm với chuyên gia Cấn Văn Lực, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, chúng ta không nên trễ quá. Khi nhiên liệu, một yếu tố chiếm đến 30 - 40% chi phí cấu thành, đã giảm rồi đơn vị sản xuất kinh doanh lại chưa kịp giảm hoặc là giảm chậm thì không đúng.
“Thực tế là sau bốn lần giảm liên tiếp, đến bây giờ tính ra độ trễ cũng đã hơi lâu quá rồi. Vậy thì thời gian tới sẽ có những biện pháp mạnh như thế nào để có thể giảm giá?”, ông Ngọc nêu vấn đề.
Vấn đề Vụ trưởng Vụ Vận tải nêu lên tại buổi Tọa đàm, có thể xem là một trong những khâu then chốt để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 01 của Chính phủ đều định hướng lạm phát năm 2022 là khoảng 4%. Tuy nhiên, theo dự báo, từ nay đến cuối năm, giá cả một số loại hàng hóa vẫn tiếp tục “nóng”.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đinh Thị Nương, từ nay đến cuối năm, dự báo giá các mặt hàng thiết yếu, vẫn có những biến động phức tạp khó lường. Nguyên nhân là giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, các nguyên liệu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp rồi các mặt hàng, nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và các mặt hàng khác, giá sẽ có những biến đổi phức tạp. Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai lũ lụt vẫn có thể xuất hiện và xảy ra, gây khó khăn trong chuỗi cung ứng dịch vụ.
Theo các chuyên gia kinh tế, để “hạ nhiệt” giá cả hàng hóa từ nay đến cuối năm, các cấp ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Trong đó, trọng tâm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% chính phủ đề ra. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu để có thể bổ sung chính sách hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, như ngư dân đánh bắt thủy hải sản, ngành giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp. Các cấp ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và công khai minh bạch về giá để cho người tiêu dùng hiểu, theo dõi, giám sát và hạn chế những thông tin gây thất thiệt, hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn cho thị trường.
Ngày 4/8/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Công điện gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găn hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.