Trong quá trình thực hiện xây dựng
nông thôn mới, Quảng Hợp đã chọn giải quyết tiêu chí hộ nghèo là mục tiêu quan trọng. Lãnh đạo xã nhận thấy, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, người dân sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, năng suất chất lượng vật nuôi cây trồng đều hạn chế, nên ưu tiên lồng ghép nguồn vốn đầu tư tập trung vào triển khai xây dựng, gia cố, cải tạo, nâng cấp các công trình hồ đập, kênh mương thuỷ lợi, trạm bơm trên địa bàn phục vụ tưới tiêu; xem đây là khâu đột phá, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Quang Hòa, thôn 2 phấn khởi nói: Gia đình ông có 5 sào ruộng, do thiếu nước tưới nên chỉ làm được một vụ, khó khăn trăm bề, luôn phải lo bữa trước, tính bữa sau. Sau khi có hệ thống kênh, mương đảm bảo nước tưới tiêu, mỗi năm gia đình làm 2 vụ lúa, một vụ màu nên lương thực đảm bảo cho cuộc sống và chăn nuôi…
Theo cán bộ nông nghiệp xã Quảng Hợp, trước đây, do hệ thống thuỷ lợi yếu kém, rất nhiều diện tích đất canh tác ở xã chỉ trồng được một vụ lúa và một vụ màu rồi bỏ hoang. Hiện nay, 5/6 thôn chủ động cấp đủ nước tưới cho sản xuất 2 vụ/năm, nhờ đó diện tích đất trồng lúa của xã được mở rộng thêm được khoảng 23ha; diện tích canh tác 2 vụ tăng thêm 55%. Tổng sản lượng lương thực toàn xã đến nay tăng lên gấp đôi so với năm 2011. Sản xuất và chăn nuôi được đảm bảo, đời sống của người dân cũng nhờ đó mà được nâng lên. Xã đã đạt tiêu chí về thuỷ lợi.
Theo Chủ tịch xã Nguyễn Công Viên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí giảm nghèo, địa phương còn vận động mỗi thôn xây dựng ít nhất một mô hình điểm kinh tế để từ đó nhân rộng. Từ chủ trương này, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn khá hiệu quả. Điển hình như mô hình thay thế đàn bò cóc sang bò lai Sind ở thôn Thanh Xuân; mô hình trồng sim tại các thôn Bưởi Rõi, Hợp Bàn, Hợp Phú, với diện tích trên 17 ha…; mô hình cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả ở hai thôn Thanh Xuân, Hợp Phú; mô hình Tổ hợp tác trồng lạc ở thôn Hợp Bàn; mô hình chăn nuôi gà, vịt, ngan, bò lai Sind tại thôn Hợp Hạ...
Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tăng gia sản xuất, địa phương còn tập trung triển khai chính sách trồng và bảo vệ rừng. Đến nay toàn xã Quảng Hợp đã trồng được trên 2.000 ha rừng kinh tế, chủ yếu là cây keo lai, bạch đàn. Nhiều hộ nhờ vào trồng rừng kinh tế mà đã thu về khoảng 40-60 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Công Viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, với những cách làm trên, đã tạo nên bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, cuối năm 2017, số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 23,76%; 100% hộ dân đã có nhà ở kiên cố và đã có 10/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống người dân đang từng bước được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo…; kết quả này là tiền đề quan trong để xã từng bước hoàn thành xây dựng nông thôn mới .
THU THẢO