Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vườn rau khởi nghiệp của Giàng A Dạy

PV - 15:51, 23/02/2018

“Chẳng biết tự bao giờ, tình yêu, niềm đam mê làm nông nghiệp đã ngấm vào máu của em. Em hạnh phúc khi được sống với đam mê ấy và mong muốn mang lại cuộc sống ấm no cho bà con trong bản”. Đó là tâm sự của Giàng A Dạy, chàng thanh niên dân tộc Mông, bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La) với khát khao khởi nghiệp từ nghề nông tại bản làng.

Từ đam mê làm nông nghiệp…

Tôi gặp Giàng A Dạy lần đầu tiên khi em tham gia Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số 2017 với chủ đề “Hợp tác, kết nỗi hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp”, tháng 5/2017 tại Thủ đô Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên của tôi về em là sự hiền lành, chất phác đúng chất nông dân. Nhưng ở em tỏa lên một ý chí, nghị lực và luôn nỗ lực hết mình với đam mê để mang đến niềm vui, hạnh phúc cho mình và bà con trong bản.

Giàng A Dạy (bên phải) nhận Bằng khen tại chương trình giao lưu và biểu dương mô hình kinh tế thanh niên, thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu giai đoạn 2012-2017, tỉnh Sơn La tháng 9/2017. Giàng A Dạy (bên phải) nhận Bằng khen tại chương trình giao lưu và biểu dương mô hình kinh tế thanh niên, thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu giai đoạn 2012-2017, tỉnh Sơn La tháng 9/2017.

 

Giàng A Dạy sinh năm 1993 trong một gia đình nông dân nghèo bản Rừng Thông. Từ nhỏ, Dạy luôn nỗ lực vượt khó để học tập tốt. Năm 2011, Giàng A Dạy thi đỗ vào Trường Đại học Tây Bắc. Là sinh viên năng nổ và học tốt, Dạy vinh dự được kết nạp Đảng tại trường. Năm 2015, Giàng A Dạy được chọn là một trong hai sinh viên đi tu nghiệp sinh tại Israel.

Là chương trình học bổng mở nên Dạy phải lo toàn bộ chi phí vé máy bay. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Dạy đã thuyết phục mẹ vay mượn đủ số tiền 30 triệu đồng vé máy bay để đi Israel.

Dạy tâm sự: “Từ nhỏ em luôn ấp ủ học tập để áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại trên mảnh đất khô cằn của quê hương. Khi đặt chân đến Israel, em thấy quyết định của mình hoàn toàn đúng”, Giàng A Dạy nói.

Với Giàng A Dạy, 11 tháng học tập và làm việc trên đất Israel đã giúp em thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp. Tại đây, Dạy được làm việc tại một trang trại ươm cây giống của một tập đoàn cây giống lớn thứ 3 Israel.

Dạy được chứng kiến trên vùng đất của đá, sa mạc khô cằn và độ dốc lớn, để trồng trọt, người dân Israel phải san ủi đá, đổ một lớp cát dày, có nơi còn mua đất ở nơi khác về để trồng trọt. Không tưới tràn, lãng phí nước như ở Việt Nam mà áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt với hệ thống ống tưới chằng chịt nằm sâu trong đất.

Ngoài thời gian thực hành tại trang trại và học lý thuyết, Dạy đã xin ông chủ một mảnh vườn rộng 100m2 để tự tìm hiểu, thử nghiệm.

Dạy kể: “Vào một buổi sáng mùa đông, nhiệt độ khoảng 3°C ở Israel khi bới cỏ dại, em nhận ra rằng, ở đâu sinh vật cũng sống được và em thích thú với những sinh vật bé nhỏ vẫn sinh sôi giữa sa mạc lạnh lẽo. Sau khi làm đất, em cứ thế miệt mài trồng cây trong cái lạnh tê tái đến tận 1h chiều mà vẫn không thấy đói. Có lẽ em đã rất đam mê với nông nghiệp”.

…đến giấc mơ khởi nghiệp từ bản Mông

Sau 11 tháng học tập tại Israel, tháng 8/2016, Giàng A Dạy về nước và thực hiện ước mơ xây dựng vườn ươm giống và trồng rau hữu cơ ở bản. “Em đã mạnh dạn bỏ gần 100 triệu đồng tích cóp được trong thời gian đi tu nghiệp sinh để thực hiện ước mơ với mong muốn sẽ thay đổi diện mạo nông nghiệp ở bản nhỏ”.

 Giàng A Dạy bên vườn rau tại bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Giàng A Dạy bên vườn rau tại bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Trở về bản, Dạy bắt tay vào làm vườn ươm rộng 100m2 với các giống rau quen thuộc và một vài giống nhập từ Israel và gần 3000m2 đất trồng các loại rau củ, quả.

Tận dụng nguyên liệu có sẵn như tre, nứa làm nhà lưới và xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cũng như tưới phun mưa trong khu vườn ươm, Dạy đã ươm cây giống trên giá thể hữu cơ, khác với phương pháp truyền thống là tra hạt xuống đất xong mới nhổ cây giống ra trồng.

Để khắc phục khó khăn về nguồn nước tưới, Dạy đã huy động bà con trong bản cùng giúp đào đường ống kéo nước từ trên đỉnh núi, dựng các bể chứa nước bằng tre, bạt và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.

Vào mùa khô, con suối phục vụ cả bản cạn nước, Giàng A Dạy đã bỏ ra hơn 30 triệu đồng mua thêm một máy bơm đẩy xa, kéo đường điện từ nhà ra hồ tự nhiên nằm sâu trong núi lắp đặt máy bơm, rải đường ống dẫn nước tưới nhỏ giọt về tận khu vực canh tác gần nhà. Mùa khô năm nay hơn 20 hộ trong bản đã có đủ nước sạch sinh hoạt nhờ hệ thống dẫn nước của Dạy.

Hiện nay, Dạy đã mở rộng trang trại lên 4.000m2. Do ứng dụng được công nghệ tưới nhỏ giọt, nên thu hoạch 3-4 vụ/năm. Vào mùa khô trang trại duy trì 2000m2. Hiện tại, Dạy đang cung cấp rau sạch cho TP. Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng với khoảng 1 tấn rau/tháng.

Trừ tất cả chi phí, mỗi tháng Dạy cũng thu về hàng chục triệu đồng. Nhiều người dân đã đến trang trại của Giàng A Dạy để học tập mô hình trồng rau sạch công nghệ Israel. Dạy bảo rằng, điều khiến em trăn trở nhất là làm thế nào để nhân rộng mô hình sản xuất rau đến toàn thể bà con trong bản.

Khó khăn nhất của Dạy là đang gặp vấn đề về nguồn nước trong mùa khô. Thời gian tới Dạy sẽ đào hố phủ bạt trên đồi sau nhà để tích trữ nước tưới tiêu vào mùa khô.

Ngoài công việc chính là trồng và chăm sóc rau, Giàng A Dạy còn tích cực tham gia công tác xã hội với vai trò là Bí thư Chi Đoàn bản Rừng Thông.

Là một đảng viên trẻ, lại có cơ hội đi học tập ở nước ngoài, Dạy luôn mong muốn sẽ mang kiến thức đã học được để bản Mông đổi mới, thoát nghèo. Thời gian tới, Dạy dự định sẽ cùng một số hộ trong bản thành lập Hợp tác xã chuyên trồng rau và cây ăn quả sạch...

“Em thấy rất hạnh phúc. Em tin niềm đam mê đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho em đi đến thành công”. Giàng A Dạy bộc bạch.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.