Cây chè là một trong 4 loại cây được Yên Bái xác định là cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo và ngành sản xuất, chế biến chè còn đem lại giá trị cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đặc biệt, giống chè Shan Tuyết Suối Giàng và chè Bát Tiên là hai thương hiệu nổi tiếng của ngành chè Yên Bái.
Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích cây chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngày một giảm, nhiều diện tích bị bỏ hoang, năng suất, sản lượng suy giảm hàng ngàn tấn, nhà máy thiếu nguyên liệu, người trồng chè không sống bằng nghề… Theo số liệu của thống kê của tỉnh Yên Bái, tính đến hết tháng 5/2018 toàn tỉnh hiện có hơn 8 nghìn ha, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã đến xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình), nơi có diện tích chè lớn nhất, nhì Yên Bái. Được biết, từ năm 2012 trở về trước cả xã Thịnh Hưng trồng trên 130 ha chè, nhiều nơi cả thôn trồng chè, người dân từng khấm khá lên nhờ cây chè và đây được coi là cây xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Như gia đình ông Lê Thế Biên tại thôn Đào Kiều (xã Thịnh Hưng) trước đây trồng hơn 2 ha diện tích chè. Gắn bó với mấy chục năm trời, cây chè từng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Biên. Thế nhưng, những năm gần đây, ông Biên đã chuyển dần diện tích chè của mình sang trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả.
“Giống chè cũ trồng hàng chục năm nay cho năng suất và chất lượng kém, cùng với việc giá cả thị trường bấp bênh nên tôi quyết định chuyển sang trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả” ông Biên chia sẻ.
Theo như ông Lương Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng hiện nay diện tích chè của xã chỉ đạt 30ha (giảm 100ha so với trước). Nguyên nhân do cây chè trồng lâu năm đã cằn cỗi, cho sản lượng kém. Bên cạnh đó, nhiều người dân trong độ tuổi lao động tham gia vào các nhà máy tại địa phương với thu nhập cao hơn, họ dần không mặn mà với cây chè nữa.
Yên Bình từng là một trong những địa phương có phong trào sản xuất kinh doanh chè với diện tích và sản lượng lớn. Nhưng hiện tại nhiều diện tích chè ở vùng chè Văn Hưng, vùng chè Bảo Ái, vùng chè Thịnh Hưng… bị nông dân bỏ hoang hoặc phá bỏ trồng xen với cây lâm nghiệp, cây ăn quả.
Đánh giá về sự suy thoái của vùng chè, ông Trần Đức Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, nguyên nhân chính, là do chính quyền địa phương và doanh nghiệp chế biến chưa có chính sách, giải pháp quản lý, phát triển vùng nguyên liệu một cách hiệu quả và bền vững.
Cụ thể, mối liên kết giữa cơ sở chế biến và người trồng chè hết sức lỏng lẻo, trên 80% số đơn vị chế biến không có vùng nguyên liệu ổn định và không có chính sách đầu tư cho vùng nguyên liệu. Thứ hai là do các cơ sở chế biến chè chưa hướng dẫn người dân cách chăm sóc và thu hoạch chè đúng tiêu chuẩn quy định, vì vậy, phần lớn sản phẩm chè Yên Bái sản xuất ra chất lượng kém và chủ yếu là sản phẩm thô, nên không đủ sức cạnh tranh với thị trường. Việc thu hoạch chè của người dân vẫn chủ yếu bằng liềm, không theo khoa học kỹ thuật dẫn tới nguyên liệu kém chất lượng.
Bên cạnh đó, diện tích chè của tỉnh Yên Bái chủ yếu được trồng từ những năm 1970-1980, đến nay đã hết một chu kỳ khai thác, dẫn tới năng suất cây chè giảm mạnh. Trong 10 năm qua toàn tỉnh mới chỉ trồng mới, trồng cải tạo được trên 5 nghìn ha (chiếm khoảng 45% diện tích so với thời điểm 2005). Nếu như trước đây, với 1ha chè, người dân có thể thu được khoảng 76,8 tấn/1ha (năm 2010), thì đến nay chỉ còn khoảng 8,9 tấn/1ha (2017). Theo đó, 1ha mỗi năm, người trồng chè thu chưa đến 20 triệu đồng, một con số quá thấp trong sản xuất và sử dụng đất đai trong nông nghiệp.
Nhằm ngăn chặn sự sụt giảm diện tích cũng như nâng cao chất lượng vùng chè, tỉnh Yên Bái đã đề ra kế hoạch đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2020. Theo đó, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu đến năm 2020, diện tích chè toàn tỉnh khoảng 8,5 nghìn ha.
Trong đó, diện tích chè Shan Tuyết khoảng 2,6 nghìn ha, trồng mới 670 ha chè Shan Tuyết, trồng thay thế khoảng 1 nghìn ha diện tích chè già cỗi ở những nơi có diện tích chè tập trung từ 5 ha trở lên tại các huyện vùng thấp bằng các giống tiến bộ kỹ thuật năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng tỷ lệ sản phẩm chè xanh, chè đặc sản, chè hữu cơ đạt trên 30%...
HOÀNG QUÝ