Tại quê hương mới, đường bê tông hóa phẳng lì, điện lưới quốc gia kéo đến từng gia đình, nhà cửa khang trang, trẻ em được đi học đầy đủ....
Là một trong những gia đình đi đầu trong phát triển mô hình cây ăn trái của thôn, Phó Trưởng thôn Giàng A Giang kể: khoảng 10 năm trước, gia đình ông cùng 150 hộ đồng bào Mông từ các tỉnh Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang di cư vào xã Vụ Bổn. Mọi người dựng nhà tranh vách nứa tạm bợ trên vùng đồi hoang vu, đất đai cằn cỗi để lập nghiệp.
Tại nơi ở mới, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thôn 12 được đầu tư về hệ thống điện lưới quốc gia, thủy lợi, đường giao thông và các cơ sở hạ tầng khác. Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương mà bà con dần thay đổi nhận thức và tập quán canh tác, nỗ lực lao động sản xuất phát triển kinh tế.
Đặc biệt, thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi năm, các hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo trong thôn đều được cấp phân bón, giống cây trồng, vật nuôi; cán bộ khuyến nông và các hội, đoàn thể trong xã tận tình hướng dẫn cách gieo trồng, chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và ứng dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất… Người dân thôn 12 đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Ông Giàng Seo Khóa là hộ gia đình kinh tế khá ở thôn 12 cho biết: Ngày mới vào đây khai hoang lập nghiệp, chúng tôi gặp biết bao khó khăn. Gia đình đông con nên thiếu ăn quanh năm, đói nghèo mãi không thôi. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, các cấp ngành và chính quyền địa phương đầu tư cấp giống phát triển kinh tế, dạy cách trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ vay vốn sản xuất mà bây giờ gia đình tôi đã thoát cảnh đói nghèo, xây được nhà kiên cố để ở, yên tâm làm ăn tích lũy vốn, mở rộng sản xuất, chăn nuôi, tạo thêm công ăn việc làm và nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Ngoài gia đình ông Giàng Seo Khóa, trong thôn còn có nhiều hộ kinh tế khá giả như gia đình ông Đặng Hoàng Nam, Đặng Văn Sơn, Sùng Khánh Mình… mỗi hộ có 5ha lúa nước hai vụ, năng suất bình quân 8-9 tấn/ha, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Theo ông Đặng Thanh Thực, Phó Bí thư Chi bộ thôn 12, vượt qua những khó khăn dưới sự hỗ trợ của Nhà nước, giúp đỡ của các cấp ngành địa phương, đồng bào Mông thôn 12 khoác lên mình áo mới. Đến nay, toàn thôn 12 có khoảng 150 ha lúa nước hai vụ; 80ha ngô, 70ha sắn cao sản…
Bà con nay đã thay đổi thói quen chăn nuôi gia súc thả rông sang chăn nuôi nhốt, vừa phòng chống dịch bệnh lại góp phần bảo vệ môi trường. 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia; nhà tranh vách nứa không còn mà thay vào đó là nhiều ngôi nhà xây kiên cố, mái thái mọc lên san sát; tuyến đường từ trung tâm xã vào thôn được rải nhựa phẳng lỳ rộng hơn 8m; 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học; đời sống nhân dân trong thôn ngày càng ổn định, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 15 triệu đồng/năm…
Ngoài ra, bà con trong thôn luôn tích cực chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tình làng nghĩa xóm luôn được quan tâm, củng cố vững chắc. Người dân ai cũng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cần cù trong lao động để phát triển kinh tế.
LÊ HƯỜNG