Được hỗ trợ dân vẫn nghèoThượng Trạch là xã miền núi biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thực hiện Chương trình 135, từ năm 2014-2017, 20 hộ nghèo mỗi hộ được hỗ trợ một con bò giống trị giá 15 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, Chương trình 135 còn hỗ trợ cây giống và phân bón để tạo sinh kế cho các hộ nghèo vươn lên. Trong năm 2017, Thượng Trạch tiếp tục được hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình trồng nghệ (29 triệu đồng) và mô hình trồng tiêu (94 triệu đồng) với 27 hộ được thụ hưởng.
Mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ như vậy, nhưng người dân vẫn không thoát được nghèo. Qua tìm hiểu, hiện tại, các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế ở Thượng Trạch vẫn chưa có hiệu quả như mong muốn. Một số hộ dân được hỗ trợ không phát huy được nguồn hỗ trợ, thậm chí nhiều con, cây giống đã bị chết không thể nhân rộng được, nên nhiều hộ vẫn phải sống chung với khó khăn nghèo đói.
Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết: Thượng Trạch hiện có gần 88 % hộ nghèo và hơn 3 % hộ cận nghèo. Mặc dù cấp uỷ, chính quyền xã nhiều lần đưa ra các giải pháp để giảm nghèo, từ việc củng cố bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở cho đến phân công cán bộ trong Đảng ủy phụ trách, giúp đỡ các bản, nhưng kết quả vẫn chưa thực sự khả quan. Xã cũng xác định, chọn nông, lâm nghiệp làm mũi nhọn trong giảm nghèo. Tuy nhiên, để lộ trình giảm nghèo đúng kế hoạch yêu cầu là vấn đề quá sức với chính quyền.
Nghèo vì đông conMột trong những lý do chính khiến Thượng Trạch nhiều năm qua rơi vào tình trạng “nghèo vẫn hoàn nghèo” là do tình trạng sinh quá nhiều con. Hiện nay, Thượng Trạch có 257 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên (chiếm 45,4%) và con số này đang có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Anh Đinh Cò ở bản Tròi cho biết: Nhà anh nằm trong diện hộ nghèo của xã đã nhiều năm nay. Hiện gia đình anh có 12 người con, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào làm nương rẫy nên thường xuyên thiếu ăn. Năm 2016, được Nhà nước hỗ trợ cho con bò giống để làm sinh kế. Tuy nhiên do điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh gia đình không có chuồng trại đảm bảo cùng với đó là không nắm được kỹ thuật chăn nuôi nên bò phát triển chậm, đến nay bò vẫn chưa sinh sản.
Theo anh Cò, để thoát nghèo được là rất khó vì gia đình con đông đang tuổi ăn học, ruộng vườn thiếu để canh tác. Bên cạnh đó, muốn phát triển chăn nuôi thì vốn đầu tư cũng không có nên đành phải làm thuê làm mướn kiếm tiền cố gắng nuôi các con ăn học. Anh Cò cũng chia sẻ, trong bản còn rất nhiều hộ nghèo như gia đình anh mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ.
Bên cạnh vấn đề dân số, lộ trình giảm nghèo của Thượng Trạch hiện cũng đang gặp phải rất nhiều vướng mắc, như: giao thông đi lại khó khăn, nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước còn hạn hẹp, không có nguồn thu, khả năng huy động nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế nên chính quyền khó có thể chỉ đạo nhân dân hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo mà Nhà nước đã triển khai.
Ông Định Hợp cho biết thêm, chính quyền thấy dân phải sống trong khó khăn cũng trăn trở lắm nhưng “lực bất tòng tâm” xuất phát điểm của Thượng Trạch quá thấp, điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi núi, hạ tầng giao thông thủy lợi còn khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế. Tập quán sản xuất của người dân vẫn còn rất lạc hậu, dựa vào thiên nhiên là chính; chưa có biện pháp cải tạo đất, thâm canh tăng vụ, thiếu các loại giống mới nên năng suất đạt thấp.
Ngoài ra, tư tưởng của một bộ phận người dân nơi đây còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước nên không chủ động đầu tư xây dựng các mô hình trọng điểm để phát triển kinh tế. Thời gian tới, chúng tôi mong các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn đến chuyển đổi sinh kế giúp người dân thoát khỏi “vòng kim cô” đói nghèo hiện nay.
PHONG DƯƠNG