Ksor Bun sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở làng Grít. Từ nhỏ, sau những giờ tan học, Ksor Bun đã biết phụ bố mẹ làm nương rẫy. Vất vả, gian khổ nhưng đói nghèo vẫn cứ đeo đẳng gia đình Bun. Nhiều hôm không có gạo, Ksor Bun phải ăn củ mì chấm muối để đến trường. Khi lớn lên, Ksor Bun nhận thức được muốn thoát được nghèo không chỉ siêng năng lao động mà còn phải biết suy nghĩ, tính toán để có cách làm, hướng đi phù hợp.
Anh chia sẻ: “Hồi đó, ruộng rẫy của gia đình nhiều lắm. Nhưng vì không có vốn và cũng không biết trồng cây gì cho hiệu quả nên đa phần đều bị bỏ hoang. Lúc đó, mình trăn trở lắm. Mình nghĩ, phải tích góp vốn để trồng cà phê mới mong có thu nhập cao”.
Năm 2006, anh Ksor Bun lập gia đình và được bố mẹ cho 5 sào đất rẫy, 2 sào lúa nước. Ksor Bun động viên vợ cùng đi làm thuê tích cóp để có vốn sau này đầu tư vào sản xuất. Năm 2010, sau khi dành được một số vốn kha khá, cộng với 10 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, anh bắt tay vào trồng cà phê, đồng thời áp dụng kinh nghiệm trồng và chăm sóc cà phê mà anh học hỏi được.
“Hồi đó, nhờ được vay 10 triệu đồng và được hỗ trợ phân bón dành cho hộ nghèo, lại được nhiều hộ hỗ trợ giống nên gia đình trồng 500 cây cà phê. Những năm sau đó, mỗi năm, gia đình còn được hỗ trợ phân bón và được các ban, ngành, đoàn thể của xã, huyện giúp vay thêm vốn từ các ngân hàng, tập huấn kinh nghiệm sản xuất nên vườn cà phê được chăm sóc tốt”, anh Bun kể.
Năm 2013, vườn cà phê của gia đình anh Bun bắt đầu cho thu với năng suất đạt từ 1,5-2 tấn nhân mỗi năm. Có vốn, anh đầu tư nuôi thêm bò để lấy phân bón cây. Từ 1 con bò năm 2013, đến nay đàn bò của gia đình anh đã có tới 6 con. Ngoài ra, vợ chồng anh cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn để sản xuất có hiệu quả 2 sào lúa nước và nuôi heo, gà cải thiện bữa ăn.
Nhờ làm ăn chăm chỉ, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, năm 2015, gia đình anh được công nhận thoát nghèo. Từ đó đến nay, với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ trồng trọt và chăn nuôi, gia đình anh trở thành một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Ia Hrung. Năm 2016, gia đình anh Bun đã xây được căn nhà vững chãi trị giá gần 200 triệu đồng và mua được một số máy móc phục vụ sản xuất.
Từ chỗ sản xuất có hiệu quả, anh Ksor Bun thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn cách chăm sóc vườn cây cho người dân và thanh niên trong làng. Năm 2015, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn làng Grít. Nhận nhiệm vụ, Ksor Bun càng có động lực trong lao động sản xuất để làm gương cho đoàn viên, thanh niên noi theo.
Chia sẻ thêm về tấm gương sử dụng vốn vay ưu đãi, anh Đào Duy Bình, Bí thư Đoàn xã Ia Hrung nhận xét: Anh Ksor Bun là một trong những thanh niên làm kinh tế giỏi ở xã Ia Hrung. Không những vậy, anh còn có nhiều đóng góp trong việc tập hợp, đoàn kết và vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai, ông Lê Văn Chí cũng khẳng định, nguồn vốn chính sách luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Riêng đối với hộ như anh Bun, hay những hộ chí thú làm ăn, NHCSXH tỉnh luôn sẵn sàng và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các hộ mở rộng sản xuất để nhân lên được nhiều điển hình về nỗ lực thoát nghèo trong cộng đồng.
Hồng Thương-Mai Hương