Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Việt Nam luôn chào đón các doanh nghiệp APEC đến đầu tư, hợp tác

PV - 14:00, 27/07/2022

Sáng 27/7, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Phiên họp thứ ba Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (gọi tắt là ABAC), với sự tham dự của 150 đại biểu đại diện 17 nền kinh tế thành viên APEC.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phiên họp do Hội đồng và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra đến ngày 29/7.

Năm 2022, Thái Lan đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APEC và do đó, Chủ tịch ABAC cũng do Thái Lan đảm nhiệm.

Tại phiên họp này, 150 đại biểu của các nền kinh tế APEC tiếp tục đề xuất các ý kiến để gửi tới các nhà lãnh đạo APEC trong khuôn khổ Tuần lễ APEC tại Thái Lan vào tháng 11 năm nay. Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại phiên họp thể hiện Việt Nam quan tâm và chào đón nồng nhiệt ABAC cũng như các nhà đầu tư của 21 nền kinh tế đến với Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, chào mừng ABAC đến với Vịnh Hạ Long, một kỳ quan, di sản thiên nhiên thế giới, Chủ tịch nước cho rằng, điều đó cho thấy Việt Nam và các nước đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để “nhịp đập” của hợp tác APEC trở lại bình thường mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực APEC đang phải đối mặt với những biến động khó lường của dịch bệnh, cạnh tranh địa chính trị, những đứt gãy của các chuỗi cung ứng và chao đảo của thị trường tài chính..., Chủ tịch nước cho rằng, điều đó thử thách bản lĩnh, sự gắn kết hợp tác của các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có những tác động lớn đến các doanh nghiệp.

Do đó, Chủ tịch nước cho rằng, kỳ họp lần này của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC chính là để thúc đẩy hợp tác trong khối doanh nghiệp tư nhân APEC, cùng nhau tìm cách phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thương mại, đầu tư và kết nối lại các chuỗi cung ứng, và hướng tới phát triển sáng tạo, bền vững và bao trùm trong khu vực. Hội đồng sẽ đưa ra nhiều khuyến nghị mới để giúp các lãnh đạo APEC (họp vào tháng 11/2022) có những quyết sách mạnh mẽ về tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư...

“Tại Phiên khai mạc Kỳ họp III ABAC hôm nay, tôi muốn khẳng định quan điểm của Nhà nước Việt Nam là luôn ủng hộ và thúc đẩy triển khai mạnh mẽ Kế hoạch hành động Aotearoa về tầm nhìn APEC 2040 và phát huy Tuyên bố chung APEC 2017 (Việt Nam) về “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” với việc thực hiện các hành động hợp tác hiệu quả về ứng phó đại dịch, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số sáng tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đoàn Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC do ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đoàn Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC do ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo đó, Chủ tịch nước mong muốn ABAC sẽ đưa ra nhiều đề xuất sáng kiến và giải pháp mới, hiệu quả về việc tăng cường thương mại và đầu tư trong APEC với vai trò trung tâm của hệ thống WTO; kết nối những chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy, kết nối nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nền tảng kinh tế số, xanh hóa sản xuất với các công nghệ xanh và nông nghiệp xanh; và thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm thải khí nhà kính trong khu vực...

Việt Nam và các nền kinh tế APEC luôn đánh giá cao, ủng hộ những sáng kiến, khuyến nghị của cộng đồng ABAC báo cáo lên các hội nghị Đối thoại giữa lãnh đạo APEC với ABAC sắp tới.

Chủ tịch nước bày tỏ: “Sự có mặt đông đảo của quý vị đại biểu, các nhà doanh nghiệp APEC hôm nay, mang đến thông điệp khích lệ Việt Nam chúng tôi, là các bạn đã coi Việt Nam là điểm đến bình yên, an toàn và tràn đầy tiềm năng hợp tác”.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu những dự báo lạc quan của Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF về triển vọng kinh tế Việt Nam, không chỉ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô mà còn phục hồi kinh tế mạnh mẽ với GDP 2022 tăng 6% và năm tới sẽ là 7,2%. Kim ngạch thương mại năm ngoái tăng 23%, đạt gần 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

IMF cũng vừa đưa ra dự báo đến 2025, quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ đứng thứ ba Đông Nam Á với GDP hơn 570 tỷ USD. Việt Nam kiên định và nỗ lực hướng tới năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang là nơi đầu tư hấp dẫn của thế giới với gần 35 nghìn dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn đầu tư gần 430 tỷ USD của hàng chục nghìn doanh nghiệp đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo Báo cáo 7/2021 của Liên hợp quốc, Việt Nam thuộc tốp 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Việt Nam đang vươn lên nhóm đầu ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh và tiến tới tiêu chuẩn OECD.

Không chỉ có thị trường nội địa 100 triệu dân có sức mua ngày càng tăng, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam còn tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả những hiệp định thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, ưu đãi thị trường rộng mở như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU); và từ 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, với quy mô lớn chiếm 30% GDP toàn cầu, có 15 nền kinh tế thành viên APEC tham gia, mà Việt Nam là thành viên tích cực.

Với các tiềm năng đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây chính là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư APEC và Việt Nam luôn mở rộng vòng tay chào đón các doanh nghiệp APEC đến đầu tư, hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển.

ABAC là sáng kiến doanh nghiệp hàng đầu của 21 nền kinh tế APEC, mỗi nước 3 thành viên và được lựa chọn phê chuẩn bởi người đứng đầu Chính phủ các nền kinh tế APEC, trong đó có rất nhiều tỷ phú lớn của các nước. Trước đây, Hội đồng đã từng hai lần tổ chức các cuộc họp tại Việt Nam Furama Resort (Đà Nẵng), cùng Hội nghị APEC 2017, mang lại nhiều cơ hội lớn và tiềm năng đầu tư cho Việt Nam.

* Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ đoàn Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC, do ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu.

Ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC cho rằng, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội đồng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc lắng nghe giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp APEC quan tâm. Những nội dung trọng tâm thảo luận là thúc đẩy hợp tác, liên kết các ý tưởng mới, sáng tạo với tiềm năng mới; thúc đẩy cộng đồng APEC tạo điều kiện cho số hóa.

Theo đó, Hội đồng đề xuất các nhóm giải pháp mạnh mẽ về thúc đẩy thương mại, số hóa và an ninh mạng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; phát triển kinh tế tuần hoàn và phát triển các hệ sinh thái tài chính.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC đã đưa ra nhiều mục tiêu và giải pháp quan trọng thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư của APEC. Chủ tịch nước đồng thời tin tưởng, kỳ họp này sẽ đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, để gửi đến các nhà lãnh đạo APEC tại hội nghị cấp cao vào tháng 11 tới./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.