Bước ra từ căn nhà xiêu vẹo, sụt hết một phần nền nhà bên trái, chị Thào Thị Pà, người dân bản Tìa Dình C không khỏi lo lắng cho biết: vài năm trở lại đây, khi vết nứt xuất hiện chạy dọc ngang trong bản, cuộc sống sinh hoạt của người dân trong khu vực bị đảo lộn hoàn toàn. Ai cũng mất ăn, mất ngủ vì sợ nhà sập, sợ sạt lở. Ðặc biệt sau những trận mưa lớn kéo dài đầu tháng 9 vừa qua, các vết nứt càng mở rộng thêm, nhiều nhà khác trong bản tiếp tục bị nứt nặng hơn, xiêu vẹo, đổ nghiêng khiến tâm lý người dân càng trở nên hoang mang, lo lắng. “Trời mưa không dám ở nhà nữa, phải đi ngủ ở trên Ủy ban nhân dân xã thôi. Hỏng hết cả nhà rồi, không ở được nữa”, chị Thào Thị Pà nói.
Nhà cửa hỏng, nhiều người dân bản Tìa Dình C phải thường xuyên đi ở nhờ. Vào những ngày trời mưa, cả bản thấp thỏm như ngồi trên đống lửa vì lo sợ nước mưa ngấm xuống đất làm nhão nền, vết nứt như một cung trượt sẽ kéo bay cả bản xuống dưới vực sâu.
Chỉ tay xuống những vết nứt lớn chạy ngang dọc trong nhà vừa được gia cố lại bằng vôi vữa, ông Giàng Giả Lềnh, người dân bản Tìa Dình C cho biết chỉ biết khắc phục tạm như vậy để tránh chuột, rắn chui vào làm tổ. Còn cứ xảy ra mưa to là ông lại phải thức cả đêm trực, nghe ngóng tình hình, lỡ có chuyện gì xảy ra còn kịp thông báo cho mọi người.
“Năm nay vết nứt lại càng nứt to hơn, vừa rồi mấy trận mưa to tôi phải cầm đèn pin trực đêm xem tình hình thế nào có tiếng động gì không để hô mọi người chạy. Nhà mình cố định ở đây giờ cũng chẳng biết đi ngủ nhờ ở đâu. Cứ phải cố gắng bám trụ nhưng cũng rất lo cho cuộc sống của mình”, ông Lềnh lo lắng cho biết.
Vết nứt bắt đầu được chính quyền xã Tìa Dình phát hiện từ tháng 9/2014 với chiều dài hàng trăm mét làm hư hỏng nhà cửa và các công trình phụ trợ khác trên địa bàn, uy hiếp trực tiếp cuộc sống của hơn 20 hộ dân với 80 nhân khẩu và trạm y tế xã. Đến đầu tháng 9 năm nay, ghi nhận thêm ảnh hưởng từ vết nứt này làm sụp 4 căn nhà.
Riêng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tìa Dình, khung sắt của một số phòng học bị gãy, biến dạng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, các vết nứt trên tường và sụt lún nền lớp học có chỗ rộng đến 20cm khiến phần khung của một số lớp học bị biến dạng, xô lệch, ảnh hưởng trực tiếp đến việc học hành, sinh hoạt của 460 học sinh và các thầy cô nơi đây.
Thầy giáo Ngô Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tìa Dình, xã Tìa Dình cho biết”: Hiện tại nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn, phải dồn các lớp lại cho các cháu học tạm thời ở các nhà ăn, nhà kho rất tạm bợ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Đề nghị với các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chuyển trường lên vị trí an toàn hơn để đảm bảo cho các cháu học hành cũng như ăn nghỉ tại trường.
Ông Giàng A Sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tìa Dình khẳng định: Tình trạng nứt, lún trong khu vực trung tâm xã Tìa Dình đang ở mức rất báo động, khả năng sạt lở là rất cao, gây mất an toàn đối với con người và tài sản của nhân dân. Bởi hiện nay, qua khảo sát hiện trạng vẫn tiếp tục thấy xuất hiện nhiều vết nứt dài với chiều rộng khoảng 20 đến 30cm, có chỗ rộng 50cm, sâu từ 1,5 đến 2m. Nhiều ngôi nhà đã bị nghiêng ra phía ngoài 1,5 độ. Về lâu dài trong tổng số 44 hộ dân của bản Tìa Dình C thì có từ 90 đến 95% số hộ dân không thể sinh sống trong khu vực, cần di chuyển khẩn cấp.
“Xã đã tuyên truyền cho nhân dân di dời về con người. Tuy nhiên, tài sản của gia đình thì chưa thể di dời được. Nhà cửa của nhiều hộ dân đang đổ nghiêng nhưng chính quyền hiện chưa có kinh phí để hỗ trợ. Còn về chỗ trường học cũng đang làm tạm 6 gian nhà gỗ để cho các cháu khắc phục trước mắt học tạm”, ông Sinh nói.
Hiện tại, vẫn chưa có một kết luận chính thức nào từ phía các cơ quan chức năng, chuyên môn về nguyên nhân xuất hiện vết nứt dài khoảng 1km tại xã Tìa Dình. Tuy nhiên trước hiện tượng nứt, gãy, sụt lún nghiêm trọng đang xảy ra tại đây, tỉnh Điện Biên cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra thực tế, đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng để sớm có phương án xử lý, ổn định đời sống người dân.
VŨ LỢI