Hơn 5 tiếng đồng hồ ngồi thuyền độc mộc vượt sông Giăng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Cò Phạt, nơi có tộc người Đan Lai (nhóm địa phương của dân tộc Thổ) sinh sống. Ở đây, những mái nhà tranh, vách nứa mốc thếch nằm lẩn khuất dưới tán cây rừng. Vừa bước chân đến đầu bản chúng tôi đã thấy một tốp bé gái 13, 14 tuổi địu trẻ con.
Nhìn qua, ai cũng ngỡ là chị địu em, nhưng anh Lo Văn M. nhà ở đầu bản cho biết: “Ở đây, trai gái mới lên 13, 14 tuổi đã lấy nhau rồi, lấy nhau trong anh em dòng tộc cũng nhiều. Chính tôi cũng lấy con của cô ruột mình khi mới 14 tuổi”.
Theo chân M, chúng tôi đến nhà La Thị Q. Ngôi nhà lá cũ kỹ, trong nhà chẳng có một vật dụng gì đáng giá hơn 100.000 đồng. Q. kể, lúc em đang học lớp 7 thì bỏ học để lấy chồng. Hiện nay, hai vợ chồng Q. đã có 2 đứa con, cuộc sống rất nghèo đói, phải nhờ sự cứu trợ của Nhà nước.
Cũng như Q., chị La Thị L. ở gần đó cưới chồng “nhí” khi chưa tròn 14 tuổi và đẻ liên tục 3 đứa con. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn nên cả 3 đứa con L. trông ốm yếu, xanh xao, còi cọc. Cạnh túp lều của chị L. là vợ chồng La Thị N. cũng cưới nhau khi mới 13 tuổi, nay đã có 2 con nhỏ đang sống trong cảnh quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc...
Bà Ngân Thị Hà, nguyên Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết, xã Môn Sơn có 12 bản, trong đó 2 bản tộc người Đan Lai với 168 hộ, cuộc sống của bà con rất khó khăn. Hầu như thanh-thiếu niên ở đây mới 13-14 tuổi đã lập gia đình. Không những vậy, một số cặp kết hôn trong nội tộc khiến tuổi thọ thấp, trẻ em thì thấp bé. Chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp, giáo dục, tuyên truyền… nhưng người dân vừa nghèo, vừa mang nặng hủ tục, lại ở địa bàn xa xôi cách trở nên chính quyền chưa ngăn được nạn tảo hôn.
Lấy nhau khi còn thiếu hiểu biết nên ở đây luôn xảy ra những vụ tự tử, chủ yếu từ những cặp vợ, chồng trẻ vị thành niên. Lý do đơn giản: giận nhau cũng ăn lá ngón; chưa đủ tuổi, gia đình không cho cưới cũng rủ nhau ăn lá ngón; bị bố mẹ mắng một câu cũng ăn lá ngón…
Theo điều tra của Trung tâm Y tế tỉnh Nghệ An, tại bản Cò Phạt, có gia đình có 2 cặp hôn nhân cận huyết trực hệ. Trong đó, một cặp có 2 con sinh ra đều bị dị tật bẩm sinh và chết sơ sinh, cặp còn lại sinh con ra đều bị dị tật.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang tích cực thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đợt truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các huyện phía Tây của tỉnh.
Đây có thể xem là một bước chuyển động tích cực, hy vọng sẽ sớm có tác động đến nhận thức và tư tưởng người dân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang nhức nhối nơi đây.
Hoàng Hỏi