Đến xã Ngọc Bay, tôi vào thăm khu sản xuất của người dân làng Plei Klếch bên bờ sông Đăk Bla. Men theo các sườn đồi, người dân trồng cao su, cà phê; dưới sườn đồi, bà con trồng mỳ, ngô… xanh tốt hứa hẹn mùa bội thu.
Khoát tay chỉ vườn cao su xanh tốt, A Dưnh (làng Plei Klếch) tự hào: Vườn cao su của gia đình mình đấy! Để ý vườn cao su của A Đưnh, tôi thấy xanh tốt hơn ở các vườn cao su của các hộ dân khác. Lý giải điều này, A Đưnh bảo rằng, do giữa hai hàng cao su ông đào hố bón phân và hằng năm bón phân cho cây cao su 2 đợt. Đợt thứ nhất vào đầu mùa mưa, ông bón phân chuồng và phân NPK. Đợt thứ hai gần cuối mùa mưa, ông bón phân NPK. Việc bón vào hố cao su không sợ bị nước mưa rửa trôi phân. Đất trong hố cao su luôn ẩm do lá cây cao rụng xuống tích tụ lại nên cây cao su xanh tốt, cho mủ nhiều.
Có lẽ vì được chăm sóc tốt nên chất lượng mủ trong vườn cao su của A Đưnh cũng tốt hơn các vườn cây cao su của nhiều hộ khác. Mùa khai thác mủ, bình quân mỗi ha cao su của gia đình A Đưnh cho từ 60-70 kg/mủ. Đặc biệt, những tháng cuối năm 2016 giá mủ tăng, mỗi ha cao su cho ông 1 triệu đồng/lần cạo, cao hơn so với các hộ khác khoảng 300-400 nghìn đồng/lần cạo.
Việc áp dụng kỹ thuật đào hố bón phân và mạnh dạn đầu tư thêm phân chuồng bón cho cây cao su để nâng cao năng suất, chất lượng mủ cao su của gia đình A Đưnh được nhiều hộ khác học theo. “Hiện nay, một số hộ có cao su đưa vào khai thác cũng áp dụng kỹ thuật đào hố bón phân và đầu tư phân chuồng cho cao su”-A Đưnh khẳng định.
Khi hỏi lấy vốn ở đâu trồng được nhiều cao su vậy, A Đưnh bảo rằng ông lấy ngắn nuôi dài. Nghĩa là trong những năm trước đây khi trồng gừng, dưa hấu được giá, ông bán tích lũy tiền đầu tư trồng cao su. Rồi bán bò trồng cao su. Chính vì vậy, đến nay, A Đưnh là chủ nhân của trang trại 5ha cao su. Ngoài cao su, ông còn trồng 2ha mỳ, nuôi 4 con bò, 6 con dê và sắm 2 máy cày… “Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu khoảng 150-200 triệu đồng”, A Đưnh khiêm tốn nói. Tuy nhiên, theo tính toán của nhiều người, mức thu nhập thực tế của gia đình A Đưnh cao hơn con số này.
Tương tự, ở thôn Đăk Rơ De, gia đình A Chiuh cũng là người giỏi làm kinh tế và rất được bà con nể phục. Từ hai bàn tay trắng khi mới lập gia đình, bằng việc chịu khó, ham làm và tiết kiệm chi tiêu để mở rộng sản xuất, đến nay gia đình A Chiuh có trong tay 5ha cao su, 2ha cà phê... A Chiuh còn mua sắm được máy cày, máy tuốt lúa. Thu nhập của gia đình A Chiuh từ 200-300 triệu đồng/năm.
Ngoài các hộ kể trên, ở xã Ngọc Bay, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên như: A Win (chuyên canh cao su, nuôi lợn, buôn bán hàng tạp hóa…), Đàm Văn Hội (chuyên canh cao su, chăn nuôi lợn, máy xay xát…), Nguyễn Thị Trinh (thu mua nông sản, trồng mía, mỳ, cày thuê…), Phan Đình Nguyên (chuyên canh mía, buôn bán..)… khó kể hết. Việc sản xuất, kinh doanh của các hộ này cũng có tác động tích cực giúp cho người dân trong vùng học tập.
Thông qua thực hiện thi đua sản xuất và phát huy các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều năm qua xã Ngọc Bay đã thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Đến nay, hai cây công nghiệp chiến lược giúp người dân nâng cao đời sống và làm giàu là cao su và cà phê.
Không tính các cây trồng khác, thời điểm hiện tại xã đã phát triển được 530,32ha cao su (486,5ha cai su tiểu điền, 67,85ha cao su liên doanh) và 39ha cà phê. Trong chăn nuôi, đàn gia súc phát triển hơn 2.000 (đàn bò, dê hơn 1.500 con, đàn heo 500 con); đàn gia cầm hơn 5.000 con... Thu nhập bình quân đầu người ở xã Ngọc Bay hiện đạt trên 20 triệu đồng/năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông A Quết-Chủ tịch UBND xã Ngọc Bay khẳng định, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương là nguồn động lực cho các hộ khác học tập, ứng dụng khoa học vào sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, vươn lên trong xây dựng nông thôn mới.
VĂN NHIÊN