Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Ủy ban Dân tộc xây dựng cơ chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong triển khai chính sách, thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Ủy ban Dân tộc nhận được Văn bản số 248/BDN ngày 15/7/2019 của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bắc Kạn sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: “Hiện nay các chính sách dân tộc được triển khai liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đề nghị Ủy ban Dân tộc xây dựng cơ chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong triển khai chính sách, thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo đầu tư đồng bộ và hiệu quả các nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Sau khi nghiên cứu, Ủy ban Dân tộc có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, hiện nay có rất nhiều bộ, ngành (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Quốc phòng, Công an… và Ủy ban Dân tộc) cùng tham gia xây dựng, quản lý, theo dõi chính sách ở vùng DTTS và miền núi và vùng kinh tế-xã hội (KT-XH) ĐBKK. Điều này dẫn đến đa số các chính sách được xây dựng và thực hiện theo yêu cầu, trách nhiệm của từng bộ, ngành, thiếu sự điều phối chung, từ đó tạo ra sự trùng lặp, phân tán, thiếu kết nối giữa các chính sách.
Xuất phát từ thực trạng nhiều đầu mối xây dựng quản lý, theo dõi chính sách; nguồn lực phân tán, dàn trải, chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, đòi hỏi phải đổi mới chính sách đầu tư phát triển KT-XH cho vùng DTTS, và miền núi và vùng KT-XH ĐBKK. Thực hiện Nghị quyết 74/2018/QH14 của Quốc hội, kỳ họp thứ 6, khóa XIV; Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai xây dựng Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS. Trình Quốc hội vào tháng 10/2019 để thực hiện từ 2021.
Đề án đề xuất tích hợp các chính sách về đầu tư hỗ trợ (có tính chất đầu tư) thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng DTTS, miền núi theo Thông báo số 268/TB-VPCP ngày 31/7/2019 về Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp về Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi và vùng KT-XH ĐBKK giai đoạn 2021–2025 với những nội dung cơ bản: Tuyên truyền vận động nâng cao năng lực, thay đổi tư duy, phát huy nội lực của đồng bào DTTS, hội nhập và phát triển cùng đất nước; Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư và xây dựng kết cấu hạ tầng cấp xã, thôn bản; Phát triển sinh kế bền vững, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân; Chính sách đặc thù phát triển các DTTS rất ít người và DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Đảm bảo an sinh xã hội vùng DTTS và miền núi; Nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, ổn định đời sống dân bản gắn với bộ đội biên phòng…
Để xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, triển khai các chính sách đối với vùng DTTS và miền núi, Đề án đề xuất Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp Trung ương do 1 đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng Ban Thường trực; các Phó Trưởng Ban chỉ đạo là các Thứ trưởng các Bộ: Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Các Ủy viên gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Ở cấp địa phương: Tùy theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương mà tổ chức cho phù hợp nhưng không thành lập bộ máy chuyên trách, không tăng đầu mối và biên chế. Quy định trách nhiệm của lãnh đạo UBND cấp tỉnh, các sở, ngành; Đoàn Đại biểu Quốc hội; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương…
Trên đây là ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Uỷ ban Dân tộc xin gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn và Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp.
Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị nâng định mức nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng của Chương trình 134 và Chương trình 135.
Ủy ban Dân tộc nhận được Văn bản số 200/BDN ngày 12/6/2019 của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Nam trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: “Hiện nay, các công trình cấp nước sinh hoạt thuộc Chương trình 134 và Chương trình 135 đã xuống cấp, hư hỏng nhưng nguồn kinh phí phân bổ cho công tác duy tu, bảo dưỡng hằng năm cho các công trình này không đảm bảo. Đề nghị nâng định mức nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng để các địa phương sửa chữa công trình nước sinh hoạt, phục vụ Nhân dân”.
Sau khi nghiên cứu, Ủy ban Dân tộc có ý kiến như sau:
Để triển khai Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, hằng năm ngân sách Trung ương phân bổ nguồn kinh phí với mức bình quân khoảng 60 triệu đồng/xã và 10 triệu đồng/thôn để duy tu bảo dưỡng các công trình tại địa phương. Với nguồn kinh phí trên đã phần nào giúp các địa phương có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư góp phần quan trọng nâng cao thời gian và hiệu quả sử dụng của các công trình. Mặc dù vậy, nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 -2025 trong đó có Chương trình 135 và dự kiến tăng tỷ lệ vốn duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư.
Trên đây là ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Uỷ ban Dân tộc xin gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
ĐỖ VĂN CHIẾN
(Còn tiếp)