Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Từ những vụ phá rừng lớn ở Bình Định: Lỗ hổng trong công tác quản lý bảo vệ rừng

PV - 16:20, 13/08/2018

Thời gian gần đây, ở Bình định liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng lớn. Nhiều cánh rừng phòng hộ với những cây gỗ lớn, hai ba người ôm bị các đối tượng lâm tặc triệt hạ không thương tiếc. Điều đáng nói là các vụ phá rừng đều diễn ra trong thời gian dài, nhưng các cơ quan chức năng không phât hiện và ngăn chặn kịp thời.

Những cây gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ. Những cây gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ.

Liên tiếp các vụ phá rừng lớn

Mới đây nhất là vụ triệt phá 23 cây gỗ dổi trong rừng nguyên sinh thuộc các khoảnh 4, tiểu khu 142 và khoảnh 8, tiểu khu 145, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Ghi nhận tại hiện trường, chúng tôi thấy những cây gỗ đường kính trên dưới 1m bị cắt lìa bằng cưa máy. Nhiều đoạn đã xẻ thành hộp dài 2m, bề mặt 30-35cm.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Định, phát hiện ban đầu (ngày 22-23/7) từ nguồn tin báo của người dân địa phương là 15 cây gỗ dổi vừa bị cưa hạ. Mở rộng phạm vi kiểm tra, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, Công ty TNHH lâm nghiệp Sông Kôn và UBND xã Vĩnh Sơn tìm thấy thêm 8 cây dổi khác mang dấu cưa cũ hơn; gỗ đã xẻ ra và được vận chuyển khỏi hiện trường.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho hay: Các cây gỗ dổi lâu năm bị đốn hạ bằng cưa máy, có đường kính thân khá lớn. Sau khi cưa đổ, lâm tặc sử dụng cưa máy xẻ thành phách với mục đích chuyển ra khỏi rừng. Kết quả đo đếm của tổ công tác ghi nhận, có 134 tấm gỗ xẻ, khối lượng hơn 11,6m3và 25m3gỗ tròn, tất cả đều là gỗ dổi, nhóm III. “Hiện trường cho thấy, lâm tặc cưa xẻ gỗ hết sức chuyên nghiệp, thủ đoạn tinh vi. Bước đầu chúng tôi nhận định, các đối tượng lâm tặc này được một “đầu nậu” tại huyện Vĩnh Thạnh thuê từ Quảng Bình vào để phá rừng” , ông Hổ cho biết thêm.

Liên quan đến sự việc này, UBND tỉnh Bình Định đã có ý kiến chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp cùng Công an huyện Vĩnh Thạnh và các đơn vị chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra, khởi tố và truy tố các đối tượng vi phạm.

Trước đó, năm 2016, cũng tại Vĩnh Thạnh, cơ quan chức năng cũng phát hiện 13 cây gỗ dổi lớn nằm trong khu vực rừng phòng hộ ở tiểu khu 183, xã Vĩnh Hảo bị lâm tặc chặt hạ. Kết quả giám định của Trung tâm quy hoạch Nông nghiệp - Nông thôn tỉnh cho thấy, khối lượng gỗ của 13 cây dổi bị chặt hạ trái phép hơn 44m3. Sau khi có kết quả điều tra, TAND huyện Vĩnh Thạnh mở phiên tòa xét xử và đã tuyên phạt tổng cộng 69 tháng tù giam cho 10 bị cáo.

Cuối tháng 8/2017, lực lượng Kiểm lâm huyện An Lão phát hiện tại tiểu khu 1 rừng xã An Hưng xảy ra vụ phá rừng lớn. Theo Trung tâm quy hoạch Nông nghiệp-Nông thôn thuộc Sở NN&PTNT Bình Định, sau khi đo đạc, lập hồ sơ đánh giá thiệt hại vụ phá rừng này gần 61 ha. Các cơ quan chức năng trong tỉnh đã vào cuộc điều tra và khởi tố một số đối tượng về tội hủy hoại rừng, trong đó có ông Lê Văn Thiệt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư-Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo.

Lỗ hổng quản lý

Theo những người dân thông thuộc địa hình rừng núi ỡ Vĩnh Thạnh, nếu muốn vận chuyển gỗ từ rừng Vĩnh Sơn đi ra chỉ có 1 đường độc đạo, qua 3 chốt, trạm kiểm soát; 2 trong 3 cửa ngõ này có thanh chắn barie. Như vậy, có thể nói năng lực phát hiện, ngăn ngừa vi phạm rừng của Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh quá yếu và dư luận có quyền đặt câu hỏi có hay không sự “tiếp tay” cho lâm tặc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh cho rằng, gỗ lậu có thể đã được ngụy trang, che giấu bằng vỏ bọc gỗ rừng trồng. “Các trạm kiểm soát không được phép tùy tiện dừng phương tiện, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng” , ông Quang giải thích thêm.

Còn theo ông Trần Phước Phi, Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, tiểu khu 142, 145 vừa bị lâm tặc phá rừng, là khu vực ít nguy cơ hơn những “điểm nóng” khác. Trước kia, chúng tôi từng cho lập chốt, nhưng rồi có những khu vực khác nguy cấp hơn nên bộ phận thường trực ở đấy rời đi. Ông Phi cũng thừa nhận phần trách nhiệm chủ rừng, song lại cho rằng, khu vực này chưa chính thức thuộc về BQL rừng phòng hộ, chỉ mới được “tạm giao” trong khi chờ UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định hiện hành, trách nhiệm là của chính quyền địa phương.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định đã chỉ ra nhiều mặt hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đó là, các quy định có liên quan đến trách nhiệm của hạt kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn và chủ rừng đã có, nhưng quá trình thực hiện chưa chặt chẽ; UBND các xã không đủ năng lực để bảo vệ rừng; các quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng giữa các hạt kiểm lâm chưa chặt chẽ; việc kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ rừng, nhất là ở các khu vực rừng giáp ranh của các hạt kiểm lâm thực hiện chưa tốt; lực lượng kiểm lâm vừa được Chi cục Kiểm lâm rà soát, phân bố tương đối, song chưa phù hợp, nhất là ở các huyện miền núi trong tỉnh.

PHƯƠNG LÊ

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.