Ông Nguyễn Văn Thơi ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cho biết, lúc đầu cũng khá e dè với mô hình trồng xen đinh lăng trong vườn cao su. Đây là mô hình được Công ty Nông nghiệp Thiên Đường (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật. Cùng với sự động viên của chính quyền, ông Thơi mạnh dạn đầu tư trồng đinh lăng trong khu vườn cao su hơn 2.000m2.
Ông Thơi cho biết: Tôi mua 2.000 cây đinh lăng giống đã lên cao được khoảng 30cm có giá 6.000 đồng/cây. Trên mỗi luống đất, trồng 2 hàng, mỗi cây được trồng cách nhau 40cm. Mỗi luống đinh lăng cách hàng cây cao su 1m. Cây đinh lăng ưa bóng râm, chịu ẩm nhưng lại không chịu được ngập nên phải vun luống cho cao. Lúc mới trồng nên trải bạt nhựa để đất không trồi sụt làm ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cây giống.
Ông Đỗ Hoàng Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh cung cấp thêm thông tin: Mô hình trồng cây đinh lăng cơ bản phù hợp với những hộ gia đình có diện tích đất nhỏ lẻ. Có doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, có hợp đồng thu mua sản phẩm là điều thuận lợi, trước mắt là tạo hướng đi mới cho bà con nông dân.
Ông Trần Hoài Việt, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Thiên Đường cho biết, việc mở rộng diện tích cây đinh lăng nằm trong dự án phát triển vùng cây dược liệu, đang triển khai tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Long An.
Khi nông dân mua về trồng, tỷ lệ cây giống bị hao hụt khoảng 1% nhưng Công ty sẵn sàng bù đến 2%. Công ty có nhân viên hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hoạch và sẽ thu mua sản phẩm thân, cành, gốc, rễ với đơn giá cố định 20.000 đồng/kg. Đồng thời, lá cũng được mua với giá 2.000 đồng/kg.
Cây trồng từ 6-8 tháng là có thể thu hoạch đợt đầu tiên, bình quân được một ký, trong đó có nửa ký lá và nửa ký cành. Một ha đất vườn trồng 30.000 gốc đinh lăng có thể đem lại 300 triệu đồng. 6 tháng sau, thu hoạch đợt thứ hai, được khoảng 300 triệu đồng nữa. Tính tổng cộng thu nhập là 600 triệu đồng/năm/ha.
Theo ông Việt, Công ty đã phát triển các trại giống để cung cấp cây giống cho nông dân. Việc mở rộng diện tích trồng xen đinh lăng còn tạo việc làm cho nông dân tranh thủ thời gian nông nhàn...
NGUYÊN DƯƠNG