Đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại sân bay quốc tế Nội Bài có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm; Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc.
Được biết, trong chuyến công du Việt Nam kéo dài tới ngày 28/2, Tổng thống Donald Trump sẽ có các cuộc tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Đây là lần thứ hai, Tổng thống Trump tới Việt Nam. Tháng 11/2017, ông đã thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng. Cùng tham dự các hoạt động đa phương và song phương của Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội lần này có Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney.
Trong chiều 26/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Hai bên nhất trí ưu tiên thúc đẩy trao đổi đoàn, đặc biệt là trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao trong năm 2019, hướng tới kỷ niệm 25 thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020; tiếp tục coi hợp tác thương mại và đầu tư là động lực cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; tăng cường quan hệ giáo dục – đào tạo, giao lưu nhân dân.
* Trước đó, ngày 24/2 phát biểu trước khi khởi hành đến Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ cho biết ông tin rằng ông và Nhà lãnh đạo Triều Tiên có chung quan điểm ở một mức độ nhất định và hai bên đã tạo dựng một "mối quan hệ rất tốt đẹp".
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, ông "không vội vàng và cũng không muốn thúc giục bất cứ ai" trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông không mong muốn có các vụ thử vũ khí và chừng nào Triều Tiên vẫn tiếp tục ngừng các vụ thử như vậy, các bên đều sẽ hài lòng.
Theo giới phân tích, với phát biểu trên, Tổng thống Donald Trump một lần nữa cho thấy lập trường đang dần mềm mỏng hơn trong những ngày gần đây đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ từng cho biết ông sẽ rất vui lòng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng nếu nước này có các tiến triển "có ý nghĩa" trong việc phi hạt nhân hóa.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore hồi tháng 6/2018, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã nhất trí Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy những đảm bảo an ninh từ phía Hoa Kỳ cũng như xây dựng mối quan hệ mới.
Tuy nhiên, những cuộc đàm phán triển khai thỏa thuận sau đó không đạt được nhiều tiến triển. Triều Tiên yêu cầu Hoa Kỳ có những bước nhượng bộ để đáp lại những động thái của Bình Nhưỡng, trong khi Washington yêu cầu phía Triều Tiên có những động thái cụ thể hơn.
Giới chuyên gia nhận định tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai tới đây tại Hà Nội, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào những bước cụ thể của Bình Nhưỡng để phi hạt nhân hóa và những biện pháp tương ứng từ Washington như nới lỏng các biện pháp trừng phạt và cải thiện quan hệ song phương.
Đây là dịp để nhà lãnh đạo Kim Jong-un thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo đáng tin cậy để hợp tác về kinh tế và ngoại giao, qua đó thúc đẩy các cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế và ngoại giao cho Triều Tiên./.
THEO CỔNG TT CHÍNH PHỦ