Theo Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2024 được Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm từ 2020 - 2023. Đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng này là khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Phát biểu tại họp báo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong nước, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán. Các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Nhờ đó, kinh tế - xã hội quý I/2024 của nước ta đạt được kết quả tích cực. GDP ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu, nuôi trồng thủy sản đạt tăng trưởng tích cực.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1 khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao.
Một số ngành có đóng góp vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế quý 1/2024 như: Vận tải kho bãi tăng 10,58% (đóng góp 0,68 điểm phần trăm); Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,34% (đóng góp 0,24 điểm phần trăm); Bán buôn và bán lẻ tăng 6,94%, (đóng góp 0,76 điểm phần trăm); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,2% (đóng góp 0,32 điểm phần trăm); Thông tin và truyền thông tăng 4,14% (đóng góp 0,28 điểm phần trăm).
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; khu vực dịch vụ chiếm 43,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Tại Họp báo, dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, đại diện lãnh đạo các Vụ chuyên môn của Tổng cục Thống kê đã trả lời các câu hỏi của phóng viên với các nội dung xoay quanh tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024.
Một số vấn đề được giải đáp liên quan đến các lĩnh vực như: Điểm sáng của bức tranh kinh tế, đóng góp của các động lực tăng trưởng mới, giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, giải pháp giảm áp lực lạm phát, kim ngạch xuất khẩu, điều hành giá, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, thị trường lao động…
Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023
Trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,77%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.