Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tốn-kém!

PV - 09:53, 20/07/2018

Ngày 20/7, tất cả các Trạm BOT giao thông sẽ phải chuyển đổi từ “Trạm thu giá” về lại tên cũ là “Trạm thu phí” theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ. Không chỉ vậy, tất tần tật những gì liên quan đến từ “giá” đều phải chuyển về từ “phí”.

Một ý tưởng “cải cách” chỉ tồn tại sau dăm ba tháng đã phải thay đổi; “chắc ăn” nhất là trở lại cách gọi như cũ (điều mà trong văn bản của Tổng cục Đường bộ lý giải là tên gọi cũ-tức là thu phí, vừa dễ hiểu, đơn giản, người dân và doanh nghiệp đồng thuận).

trạm thu phí Ảnh minh họa

 

Dân gian có câu rất hay cho cách làm này là: Mèo lại hoàn mèo!

Sự yếu kém của việc làm này thì đã quá rõ. Nhưng đi liền với nó là một sự lãng phí vô cùng.

Chưa có một thống kê cụ thể cho việc “thay tên đổi họ” chóng vánh này đã tốn bao nhiêu tiền (của doanh nghiệp, nhưng thực tế do người dân đóng). Nhưng hãy xem: Cả nước hiện có 88 Trạm BOT; chỉ riêng việc thay đi đổi lại giữa từ “phí” và “giá” trên hệ thống biển tên trạm, biển chỉ dẫn, tên bảng niêm yết mức thu và trên vé đã là một con số không nhỏ. Ấy là chưa kể đã có bao nhiêu cuộc hội thảo, hội ý,… để chuyển từ “phí” sang “giá”; cạnh đó là việc thay đổi hàng loạt văn bản

quản lý nhà nước có liên quan…

Đúng là một sự tốn và kém vô cùng.

Nhưng sự tốn và kém này có lẽ chẳng ăn nhằm gì với việc đổi mới trong thi THPT và thi đại học, cao đẳng của ngành Giáo dục. Từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo “gom” hai kỳ thi THPT và thi đại học, cao đẳng lại thành một. Cứ như thông tin trên báo thì mỗi kỳ thi “2 trong 1”, ngân sách Trung ương phải bỏ ra 400 tỷ đồng; đó là chưa kể trung bình mỗi tỉnh bỏ thêm ra 2 tỷ đồng để hỗ trợ.

Sự tốn là rất rõ ràng, nhưng còn sự kém thì gần đây mới bộc lộ. Đó là việc nhiều tỉnh xuất hiện những bất thường trong kết quả thi THPT; đầu tiên là Hà Giang, rồi đến Lạng Sơn, Sơn La,… Với quy định lấy điểm thi THPT để xét tuyển đại học, cao đẳng, vô hình chung là “mồi nhử” cho những toan tính làm thế nào để kết quả thi “2 trong 1” phải cao nhất.

Có lẽ, những bất thường về điểm thi THPT không phải bây giờ mới xảy ra mà đã có từ khi tổ chức thi “2 trong 1”. Chẳng qua là chưa bị phát hiện. Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra. Và hệ quả là, sau 4 năm thực hiện kỳ thi “2 trong 1”, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi lại như cũ, tức là thi THPT riêng, thi đại học, cao đẳng riêng.

Ấy chẳng phải là mèo lại hoàn mèo!

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục