Nhiều cái khóTheo thống kê của Sở Công thương Bình Định, toàn tỉnh hiện có 51 làng nghề, trong đó có 40 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 7.300 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 16.000 lao động. Sản phẩm làng nghề khá đa dạng như: bún, bánh, gốm mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, đan đát, gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, chiếu cói, hải sản khô… Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và các tỉnh lân cận, còn lại được xuất khẩu ra nước ngoài thông qua ủy thác hoặc qua đường tiểu ngạch.
Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề hiện nay có quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh theo hộ gia đình. Do vậy, trình độ quản lý còn hạn chế, chưa hình thành mô hình sản xuất liên kết phát triển bền vững. Lao động ở các cơ sở làng nghề chủ yếu làm theo kinh nghiệm, nên kỹ năng nghề nghiệp và trình độ thẩm mỹ không cao.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng làng nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Trong đó, hệ thống xử lý môi trường chung cho làng nghề còn nhiều bất cập, ý thức bảo vệ môi trường của các cơ sở còn thấp, chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
Ngoài ra, công tác hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các cơ sở làng nghề chưa kịp thời. Sản phẩm từ các làng nghề tuy gần gũi cuộc sống, nhưng chậm chuyển đổi về mẫu mã, hình thức lẫn chất liệu theo nhu cầu thị trường. Lao động qua đào tạo còn ít, chưa quen với tác phong công nghiệp. Quy mô sản xuất nhỏ, thời vụ nên khả năng tích lũy vốn phục vụ phát triển lâu dài còn thấp.
Một vấn đề khó khăn nữa là việc bảo vệ “thương hiệu độc quyền” cho những sản phẩm đặc trưng. Điển hình như “cuộc chiến” bảo vệ thương hiệu rượu Bàu Đá diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa có hồi kết. Mặc dù, rượu Bàu Đá Bình Định đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền nhưng trên thị trường hiện nay vẫn xuất hiện nhiều sản phẩm giả, nhái thương hiệu này.
Ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch Hiệp hội SX-KD rượu Bàu Đá tỉnh Bình Định, cho hay, Hiệp hội SX-KD rượu Bàu Đá có khoảng trên dưới 150 hội viên sản xuất và kinh doanh. Ban đầu, làng nghề có 33 hộ đăng ký sản xuất rượu Bàu Đá, nay chỉ còn 28 hộ. Sự cạnh tranh khốc liệt, thị trường rượu Bàu Đá thật-giả lẫn lộn khiến nhiều nghệ nhân tâm huyết của làng lao đao. Nhiều loại rượu giả tràn ngập, với giá rẻ đã tác động không nhỏ đến uy tín, chất lượng và thương hiệu rượu Bàu Đá, gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất. “Một thực tế đáng buồn là một số thành viên của Hiệp hội tỏ ra khá lơ là, ít tâm huyết với sản phẩm của mình. Chung một thương hiệu nhưng mạnh ai nấy làm, không thống nhất với nhau về giá cả, chất lượng nên khó mà giữ được thương hiệu”, ông Tâm trăn trở.
Trợ lực cho các làng nghềTrao đổi với chúng tôi về chiến lược phát triển và chính sách trợ lực cho làng nghề, ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định cho biết: Xác định tầm quan trọng của làng nghề, sau khi Quy hoạch phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt, Sở Công thương đã tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như, năm 2017, Sở Công thương đã phối hợp đề xuất hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm làng nghề Rèn Tây Phương Danh (TX An Nhơn), với kinh phí 852 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Chế biến hải sản khô Mỹ An (Phù Mỹ); hỗ trợ bê tông xi măng làng nghề Đan lát Trung Chánh, xã Cát Minh (Phù Cát),…
Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ cho 6 lượt cơ sở sản xuất thuộc làng nghề tham dự các hội chợ triển lãm, với tổng kinh phí 33 triệu đồng; hỗ trợ 3 đề án khuyến công với tổng kinh phí 232,5 triệu đồng, gồm: Hỗ trợ máy móc thiết bị vào sản xuất bánh hỏi, công suất 150 tấn/năm tại Cơ sở Trần Thị Hiền, phường Nhơn Thành (TX An Nhơn), với kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể “Bún số 8 Tam Quan Nam” của xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) với kinh phí 30 triệu đồng; hỗ trợ Đề án Thi thiết kế, chế tác sản phẩm phục vụ du lịch Bình Định lần thứ hai năm 2017, với kinh phí 152,5 triệu đồng.
Tiếp tục thực hiện chính sách trợ lực cho làng nghề, thời gian tới, Sở Công thương đẩy mạnh triển khai chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các cơ sở làng nghề đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, áp dụng KHKT, công nghệ mới vào các ngành, lĩnh vực, nhằm nâng cao sức cạnh tranh đối với các cơ sở làng nghề.
LÊ PHƯƠNG