Thừa ủy quyền của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, ông Lê Công Bình Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Dân tộc và Phát triển chủ trì Hội thảo. Các ông: Vàng A Lả, Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La; Lường Bun Tỉnh, Phó Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cùng tham gia chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể một số tỉnh Tây Bắc.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Lường Bun Tỉnh, Phó Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cảm ơn Ủy ban Dân tộc, các đơn vị đồng chủ trì, các nhà tài trợ đã tin tưởng, ưu tiên và lựa chọn Sơn La làm địa điểm tổ chức Hội thảo.
“Với trách nhiệm của những người làm công tác dân tộc, chúng tôi mong muốn rằng, thông qua Hội thảo chúng ta sẽ tìm được nhiều ý tưởng mới lạ, mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên. Đồng thời, thông qua ý tưởng, giúp dân tộc thiểu số phát huy tính sáng tạo, đổi mới theo định hướng phát triển thị trường và chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó sớm thoát khỏi đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu cho bản thân và cộng đồng”, ông Lường Bun Tỉnh kỳ vọng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Công Bình, cho biết: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là vùng có những tiềm năng rất lớn để khai thác, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Đó là nguồn lực văn hóa đa dạng và đặc sắc; sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp độc đáo; tiềm năng về du lịch, dược liệu… Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho sự sáng tạo trong đầu tư và khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp để tăng giàu.
Tuy nhiên, cơ hội phát triển chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn, thách thức này rất cần có sự định hướng, hỗ trợ để các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số hòa nhập chung vào dòng chảy khởi nghiệp quốc gia, vươn xa ra thị trường thế giới. Đây cũng là một “mắt xích” vô cùng quan trọng trong phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng chuỗi giá trị” dành cho cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam là một trong những hoạt động cụ thể đầu tiên trong việc thử nghiệm cách làm mới là đầu tư vào các ý tưởng, cách làm hay của chính người dân, cộng đồng các dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên để họ vươn lên làm giàu cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng từ chính nội lực của mình. Cuộc thi nhằm kêu gọi, hỗ trợ phát triển và thực hiện các ý tưởng đổi mới, sáng tạo theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho sản phẩm của người dân tộc thiểu số Việt Nam; góp phần bảo tồn, phát huy thế mạnh văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Thay mặt Ngân hàng Thế giới, ông Hoàng Văn Tú, chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tham dự hội thảo cho biết: Chính phủ Australia và Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam hàng trăm triệu USD để thực hiện các chương trình giảm nghèo. Cuộc thi là sự kiện đặc biệt hưởng ứng Chương trình quốc gia khởi nghiệp. Cuộc thi sẽ thử nghiệm cách tiếp cận mới. Ban Tổ chức mong chờ đồng bào dân tộc thiểu số phát huy ý chí, nghị lực, khả năng sáng tạo để vươn lên.
Hội thảo đã lắng nghe những ý kiến phát biểu, những chia sẻ của các chuyên gia phân tích về chuỗi giá trị trong khởi nghiệp và phát triển vùng đồng bào DTTS. Hội thảo cũng lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu tham luận, trao đổi của lãnh đạo, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, làm sáng tỏ hơn mục đích, ý nghĩa, các vấn đề liên quan đến Cuộc thi-một hoạt động ý nghĩa trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
THANH HUYỀN