Tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Lại Văn Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa toàn thư Việt Nam, Chủ nhiệm Đề tài đã trình bày một số nội dung tổng quát của Đề tài, cũng như quá trình thu thập thông tin để hoàn thiện bộ từ điển. Bộ từ điển gồm 1.562 mục từ được chia thành 13 chủ đề như: ngôn ngữ dân tộc; dân tộc; lễ hội; địa danh; thuật ngữ, khái niệm… Các mục từ được soạn thảo dựa trên các cuộc khảo sát, thực tế của các thành viên Hội đồng Nghiên cứu tại các vùng có đồng bào DTTS, miền núi sinh sống trên cả nước. Hiện, Đề tài đang trong quá trình tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý để hoàn thiện, nhiệm thu vào tháng 6/2019.
Trên tinh thần tư vấn, phản biện, tham gia ý kiến, các nhà khoa học đánh giá cao tính cấp thiết của Đề tài, đây sẽ là bộ tài liệu quan trọng, cần thiết, đáp ứng được nhu cầu trong lĩnh vực công tác dân tộc. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến góp ý được gửi đến Hội đồng Nghiên cứu nhằm hoàn thiện hơn cho Đề tài như: cần làm rõ hơn một số thuật ngữ trong bộ từ điển (hôn nhân xuyên biên giới); có thêm phần khái niệm cơ bản cho mỗi thuật ngữ; các chủ đề cần có sự liên kết với nhau…Đặc biệt để thuận tiện hơn cho việc tra cứu thuật ngữ, các nhà khoa học mong muốn bộ từ điển có phiên bản điện tử để dễ dàng trong quá trình sử dụng.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Hội đồng. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, những số liệu về dân số trong bộ từ điển chưa có tính cập nhật, đề nghị Hội đồng Nghiên cứu tham khảo hoặc sử dụng số liệu từ điều tra dân số của UBDT năm 2016. Qua đó, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng mong rằng, sau buổi Tọa đàm, Hội đồng Nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, từ đó có cơ sở hoàn thiện bộ từ điển theo đúng thời hạn.
HỒNG MINH