Chưa có thuốc trừ sâu keo
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ môi trường, hiện trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có thuốc được đăng ký để phòng trừ sâu keo mùa thu. Do đó, để phòng trừ kịp thời và hiệu quả loài sâu này, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sử dụng tạm thời các hoạt chất để phòng trừ. Cụ thể là Bacillus thuringiensis, Spinetoram,Indoxacarb, Lufenuron và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.
Cục Bảo vệ thực vật cũng khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, ưu tiên thuốc bảo vệ sinh học...
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã tập huấn các địa phương ứng phó trong giai đoạn hiện nay. Ông Bùi Xuân Phong, Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thời gian qua, đơn vị đã đi tập huấn cho các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở các tỉnh thành, giúp các địa phương chủ động nhận diện, thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả đối với loài sâu keo mùa thu.
Ông Phong cho biết thêm, sâu keo non có thể gây hại từ khi ngô 2-3 lá đến bắp non, hạt đông sữa nhưng tập trung giai đoạn ngô 3-7 lá, cây ngô còn thấp dễ dàng phun trừ. Bên cạnh đó, sâu non có tập tính cạnh tranh thức ăn mạnh, sâu tuổi lớn cắn chết sâu tuổi nhỏ. Trứng của sâu keo mùa thu được đẻ thành ổ ở mặt trên lá nên dễ dàng điều tra phát hiện bằng mắt thường và tiêu hủy.
Phòng hơn chống
Theo Cục Bảo vệ thực vật, thời gian tới, các địa phương cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu cho cán bộ trong các cơ quan chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, khuyến nông từ Trung ương đến địa phương và nông dân. Các địa phương tổ chức điều tra sự phân bố, mật độ, tỷ lệ hại của sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác.
Người dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy; có thể sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non. Ngoài ra, nông dân có thể dử dụng các biện pháp khác như: biện pháp sinh học, sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ; nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ…), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở-tuổi nhỏ...
Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất tác hại của sâu keo, các địa phương cần chú trọng các biện pháp phòng ngừa từ xa. Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo, người dân cần thực hiện các biện pháp canh tác như: làm sạch cỏ dại xung quanh ruộng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu; làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt; luân canh ngô-lúa ngay sau vụ ngô để diệt nhộng trong đất, việc làm đất kỹ cũng góp phần diệt nhộng trong đất.
Ngoài ra, người dân cần tích cực ứng dụng giống ngô tích hợp sẵn công nghệ kháng sâu như DK6919S, DK9955. Hiện ghi nhận tại các vùng có sự xâm hại của sâu keo mùa thu như Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, giống ngô kháng sâu DK 6919S và DK 9955S đã đạt hiệu quả kháng sâu vượt trội từ đầu tới cuối mùa vụ, bảo vệ năng suất tối ưu.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), sâu keo mùa thu có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Loài sâu này phát hiện lần đầu tại châu Á là ở Ấn Độ vào tháng 7/2018. Chúng lây lan rất nhanh và gây hại nặng tại các vùng bị xâm nhiễm, hiện nay loài sâu hại này đã xuất hiện tại Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Tại Việt Nam loại sâu này đã xuất hiện từ đầu 2019 và hiện có trên 30 tỉnh bị phát hiện sâu keo gây hại trên ngô, diện tích bị thiệt hại lên tới 8.100ha.
THIÊN ĐỨC