Xác định lợi thế
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền huyện Thường Xuân đã chú trọng lĩnh vực phát triển kinh tế du lịch. Theo đó địa phương đã xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng ở bản Vịn, xã Bát Mọt và bản Mạ (thôn Thanh Xuân), xã Xuân Cẩm.
Đây là những địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, có cảnh sắc nên thơ, khí hậu mát mẻ được ví như một Tam Đảo hay Sapa của huyện Thường Xuân. Bên cạnh đó, đồng bào còn lưu giữ được những mái nhà sàn; những thửa ruộng bậc thang uốn lượn đẹp mắt tạo nên khung cảnh bình yên, trữ tình.
Đặc biệt, đồng bào nơi đây vẫn duy trì và phát huy được những bản sắc văn hóa đặc sắc của người Thái như: Hát khặp, múa sạp, cồng chiêng và khua luống. Do đó, du khách đến địa phương, ngoài trải nghiệm cuộc sống hòa mình với thiên nhiên, không gian văn hóa của người dân địa phương, còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo như: cơm lam, canh uôi, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng, các loại chẻo. Đặc biệt là các loại đặc sản, như: cá lăng, cá leo, lợn cỏ, gà đồi, tôm sông...
Tại bản Mạ, sau khi có chủ trương vận động người dân tổ chức mô hình du lịch cộng đồng, trong vòng 3 năm nay, đã có rất nhiều khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm, trong đó có khách nước ngoài; qua đó đã tạo điều kiện cho người dân trong bản có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
Ông Vi Văn Tiên, Trưởng thôn Thanh Xuân cho biết: Nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, bản Mạ đã có 2 gia đình thực hiện mô hình du lịch cộng đồng. Riêng gia đình ông đã vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ thu hút du khách.
Sau gần 3 năm thực hiện, đến nay gia đình ông đã đón nhiều du khách cả trong và ngoài nước. Thu nhập mỗi tháng từ 20-30 triệu đồng.
“Ngày trước chúng tôi chỉ biết đi vào rừng kiếm sống, từ khi mô hình này đi vào hoạt động, chúng tôi đã có công ăn việc làm, tạo thu nhập đều đặn, đúng là một bước tiến đáng kể. Hiện tại, chúng tôi đang có định hướng tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình này để hướng tới đón lượng du khách lớn hơn”, ông Tiên chia sẻ.
Cũng theo ông Tiên, mặc dù quy mô vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa nhiều hộ đủ điều kiện để đầu tư xây dựng mô hình. Nhưng bà con trong làng cũng đã bắt đầu làm quen với kiểu tư duy làm kinh tế mới, việc phục vụ các hoạt động ăn uống, giải trí của du khách cũng đã tạo thu nhập cho họ. Trước năm 2015, thôn đa phần là hộ nghèo nhưng đến nay chỉ còn 9 hộ nghèo/56 hộ dân.
Đầu tư phát triển
Ông Lương Công Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm phấn khởi thông tin, từ khi xây dựng làng du lịch cộng đồng, hằng năm có khoảng 400 lượt khách về thăm, trong đó có rất nhiều đoàn khách khách du lịch nước ngoài, bộ mặt của thôn bản đã thay đổi một cách rõ rệt. Từ những hộ làm nông thu nhập bấp bênh, nay nhiều hộ thoát nghèo trở nên khá giả. Đáng phấn khởi nhất là, mô hình kinh tế du lịch đang tác động thay đổi trực tiếp đến nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế cho các gia đình trên địa bàn.
Chị Hà Thị Sen (27 tuổi) cho biết, năm 2015, được cán bộ xã quan tâm động viên, tổ chức cho đi học tập ở các địa điểm du lịch nổi tiếng. Khi trở về, gia đình chị bán trâu, bò, vay ngân hàng thêm 100 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất với số tiền 300 triệu đồng. Năm 2016, gia đình chị bắt đầu đón khách. “Từ khi mô hình này hoạt động đã giúp gia đình có thu nhập ổn định, khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng”.
Ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân nhìn nhận, Thường Xuân có lợi thế sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, nhưng đến nay, vẫn chưa khai thác tương xứng với tiềm năng. Từ hai mô hình du lịch cộng đồng bản Vịn, xã Bát Mọt và thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm, huyện sẽ có đánh giá, xác định hướng phát triển kinh tế từ du lịch, qua đó hoàn chỉnh các quy hoạch, đề án nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dịch vụ, khách sạn, các công trình văn hóa, sản phẩm phục vụ du lịch…
QUỲNH TRÂM