Vì sao không nên cúng sao giải hạn?
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, tập tục cúng sao bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc nói chung và đạo Nho nói riêng. Đức Phật liệt việc cúng sao vào nhóm mê tín dị đoan, do không hiểu được quy luật nhân quả, quy luật vận hành tốt xấu, quy luật của vũ trụ.
Thực tế hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại và mỗi cảnh huống mà chúng ta gặp trong đời đều do luật nhân quả chi phối và quyết định, chẳng có ngôi sao nào làm công việc đó.
Nếu cúng sao có thể giải quyết vấn nạn của nhân sinh thì các tôn giáo và hệ thống nhân quả không có ý nghĩa gì nữa, đạo Phật cũng không cần có mặt.
Do đó, nỗi sợ hãi đeo bám người có niềm tin sai lầm, tốn tiền đến chùa ghi tên cúng sao, đồng thời các vấn nạn người đó đang đối diện vẫn còn y nguyên.
Người mê tín do tin vào sao và hạn xấu chi phối, cho nên khi có một sự cố xảy ra thì nghĩ rằng đó là vận hạn xấu, thực tế đó là sự ngẫu nhiên.
Một số chùa đưa lý do nếu không tổ chức cúng sao tại chùa thì quần chúng cũng đến cúng ở các đình, đền, miếu. Như vậy, các tăng ni đã làm sai với chân lý Phật, với chủ trương của Phật giáo, làm sai với quy định của Giáo hội.
Đã đến lúc các tăng ni trụ trì hơn 18.000 ngôi chùa trên toàn quốc nên mạnh dạn không tổ chức cúng sao cho người dân, không nên tiếp tay cho trường phái mê tín. Nếu tăng ni không truyền bá Phật pháp thì các Phật tử sẽ tiếp tục mù chữ Phật pháp, rơi vào mê tín dị đoan.
Về phía người dân, nên tin luật nhân quả, gieo nhân tốt để có kết quả tốt. Dùng số tiền cúng sao phát tâm làm các phật sự tại chùa, làm việc nhân đạo, việc nghĩa, sẽ giúp người dân có thuận duyên. Hãy phát triển trí tuệ và lòng từ bi, những gì có thể làm được trong tầm tay đừng hẹn lần lữa, hãy làm mỗi khi có thể.
Khi bỏ được niềm tin mê tín về cúng sao, mọi người sẽ "vẫy tay chào" nỗi sợ hãi và từ đó cuộc sống sẽ trở nên bình an, hạnh phúc.
Đến chùa công đức thế nào cho đúng?
Theo nhà nghiên cứu văn hóa - GS Trần Lâm Biền, đến chùa, mọi ứng xử phải bằng tuệ và tâm chứ không phải bằng tiền. Nhà chùa cũng không nên đặt quá nhiều hòm công đức. Phật cần ở người đi lễ tấm lòng thành chứ không cần ở vật chất mà con người mang đến. Mỗi một gian thờ, chỉ nên đặt 1 hòm công đức.
Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ, người dân thay vì đến chùa cầu nguyện xin xỏ thì mở tâm từ bi, thay vì vứt tiền bạc vào các mâm trái cây, quả chuông, đế chuông, tay Phật, xoa vào tượng Phật cầu bình an, gây mất mỹ cảm văn hóa Phật giáo thì gửi cúng công đức ở hòm công đức vì theo đức Phật, muốn bình an phải làm các việc phúc, việc thiện, có lối sống cao thượng, làm chủ cảm xúc, thái độ, thói quen.
Các vấn nạn con người tạo ra phải do con người giải quyết chứ không cầu được, cầu chỉ là giải pháp trấn an tâm lý. Thay vì cầu nguyện, đốt hương, đốt vàng mã gây ô nhiễm, phung phí của cải, người dân đến chùa nên dành cơ hội tĩnh tâm, nhờ tư vấn vượt qua khổ đau để đối diện cuộc sống, như vậy mới có giá trị.
Muốn bình an phải tu tâm, muốn có phúc đức phải tu phúc tu đức. Không phải bỏ tiền để mua hay đổi chác lấy những điều chúng ta mong đợi, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh./.
Theo vov