Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thương binh và những câu chuyện thời bình

PV - 14:23, 27/07/2018

Bản thân là thương binh hạng 2/4, song ngót 50 năm qua, ông Lê Thành Đô không chịu đầu hàng số phận. Ông đã vươn lên học tập, đi tu nghiệp gần 20 nước trên thế giới để trở thành một bác sĩ giỏi. Không những vậy, khi về hưu ông còn mở một xưởng sản xuất chân tay giả làm miễn phí cho người khuyết tật ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Bài cuối: Người thương binh với những mảnh ghép sâu nặng tình người

Những mảnh ghép nối liền số phận

Nằm khép mình trong ngõ Gốc Đề, đường Minh Khai, TP. Hà Nội, xưởng sản xuất chân tay giả của bác sĩ Lê Thành Đô luôn tấp nập người ra vào. Ở đây, ai cũng thường trực một nụ cười trên môi.

thương binh Bác sĩ Đô vừa làm bàn tay giả miễn phí cho chị Từ Thanh Thủy.

Gặp chúng tôi tại nhà của bác sĩ Lê Thành Đô, chị Từ Thanh Thủy, dân tộc Sán Dìu ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hoan hỉ kể về hành trình nối lại bàn tay của mình. Chị Thủy sinh năm 1979, ở một vùng quê hẻo lánh, nơi quanh năm chịu cảnh đói nghèo. Khi tuổi đời vừa mới đôi mươi, chị đã vội lập gia đình như biết bao người phụ nữ cùng quê khác.

Nhà nghèo, không công ăn việc làm lại đông con, nên gia đình chị quanh năm sống trong túng thiếu. Rất may, 5 năm trở lại đây, khi con chị đủ lớn để bớt bìu ríu mẹ, chị mới kiếm được việc làm thêm là đi làm gạch. Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, năm 2017, chị bị máy đùn gạch nghiền nát bàn tay phải, buộc phải tháo khớp.

Do chị Thủy làm việc tự do, không có hợp đồng nên khi xảy ra tai nạn lao động, chị không nhận được một đồng nào tiền bồi thường. Vậy là, sau bao năm tích cóp, chị Thủy đành chi trả toàn bộ cho việc nằm viện. Ra viện, với một bàn tay bị cụt nhưng chị cũng không có tiền làm tay giả, nên đành để vậy. Suốt một năm nay, từ một người nhanh nhẹn hoạt bát, chị gần như chỉ quanh quẩn ở nhà, trở nên lầm lì ít nói.

Thế rồi, trong một lần xem truyền hình, chị Thủy biết đến xưởng sản xuất chân tay giả miễn phí của bác sĩ Lê Thành Đô. Đánh liều bắt xe hơn 200 cây số, chị gõ cửa người bác sĩ già với tâm trạng thấp thỏm lo âu. Rất may, sau khi nghe chị trình bày hoàn cảnh, bác sĩ Lê Thành Đô đã nhận lời giúp đỡ. Hôm chúng tôi đến đúng dịp chị Thủy được nhận bàn tay này.

Chị Thủy xúc động tâm sự: “Vậy là cuộc đời tôi đã bước sang một trang mới. Gặp bác sĩ Đô là một may mắn đối với tôi. Vì bên cạnh có được bàn tay mới, tôi còn có thêm niềm tin và nghị lực trong cuộc sống đầy khó khăn này”.

Chị Thủy chỉ là 1 trong gần 650 mảnh đời thiệt thòi được bác sĩ Lê Thành Đô giúp đỡ. Lần giở những trang giấy đã ố vàng theo thời gian, bác sĩ Lê Thành Đô cho biết, đây là danh sách của những người mà ông giúp đỡ làm tay chân giả, trong đó có nhiều người DTTS ở vùng sâu, vùng xa như cháu Đinh Thị Huệ, sinh năm 2007, dân tộc Mường ở Hòa Bình, Ma Hồng Linh, sinh năm 2015, dân tộc Tày ở Cao Bằng, Mai Thị Lan sinh năm 2006, dân tộc Thái ở Sơn La…

thương binh Xưởng sản xuất của bác sĩ Đô luôn có người đến giúp đỡ.

Nhân thêm lòng nhân ái Ngồi trò chuyện với bác sĩ Lê Thành Đô, chúng tôi mới thấy ông là con người giàu nghị lực, giàu sức chiến đấu đến mức nào. Trở về từ chiến trường với một phần cơ thể thương tật (61%), cựu chiến binh Lê Thành Đô được đưa về điều trị tại khu điều dưỡng Thanh Hóa. Ở đây, ông đã không đầu hàng số phận mà quyết tâm quên đi đau đớn để tiếp tục dùi mài kinh sử. Sau đó, ông thi đỗ vào Trường Kinh tế - Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).

Theo học Kinh tế được một năm, cảm thấy ngành này không phù hợp với bản thân nên ông đã thi vào Đại học Y khoa Hà Nội với ước mơ trở thành bác sĩ. Sau 6 năm học tập và nghiên cứu, bác sĩ Đô được phân công về Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, làm Trưởng phòng Y tế. Tại đây, ông đã dành toàn bộ thời gian, tâm huyết để chữa trị cho những người cùng hoàn cảnh với mình nhưng kém may mắn hơn. Đa số những người điều trị tại đây là thương binh hạng nặng, bị liệt cột sống, mất khả năng đi lại. Đây cũng chính là những năm tháng ông ấp ủ ước mơ lớn nhất cuộc đời mình, đó là làm ra những đôi chân, tay giả để giúp đỡ cho người khuyết tật.

Đến năm 1985, bác sĩ Đô về Hà Nội, công tác tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ông tham gia Dự án sản xuất chân, tay giả của Viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng. Đồng thời, làm giảng viên, phụ trách Dự án Đào tạo kỹ thuật viên chỉnh hình tại Trường Đại học Lao động-Xã hội.

Trong suốt 30 năm công tác, bác sĩ Đô đã được cử đi nghiên cứu và học tập ở gần 20 quốc gia như Đức, Hà Lan, Ấn Độ… để nghiên cứu về chấn thương chỉnh hình. Chừng ấy năm tôi luyện, bác sĩ Lê Thành Đô đã trở thành một trong những người đầu ngành cả nước về phục hồi chức năng.

Đến năm 2004, bác sĩ Lê Thành Đô được nghỉ hưu theo quyết định của Nhà nước. Nhưng sự nhiệt huyết, chất lính đã thôi thúc ông dù hưu nhưng không nghỉ. Vậy là, ông lại lặn lội đi khắp nơi vận động mở một xưởng sản xuất chân tay giả với mục đích giúp người khuyết tật nghèo có cơ hội tiếp cận dịch vụ này.

Dù đã có chuyên môn và tâm huyết với công việc nhưng thời gian đầu, việc mở xưởng cũng gặp không ít khó khăn. Từ kinh phí đầu tư, máy móc cho đến nguồn nhân lực và các chi phí khác…, bác sĩ Đô và các đồng nghiệp phải tận dụng những dụng cụ thanh lý, mua vật liệu đồng nát với giá rẻ hơn rất nhiều lần rồi sửa chữa, cải tiến để có hiệu quả sử dụng cao và giảm chi phí. Kinh phí xây dựng xưởng ban đầu lên đến hàng trăm triệu đồng, một con số khá lớn đối với một bác sĩ lúc bấy giờ. Nhưng vượt qua mọi khó khăn ông vẫn duy trì xưởng sản xuất đó gần 15 năm nay.

Không đơn độcChia sẻ về bí quyết để có thể giữ vững xưởng sản xuất miễn phí cho người khuyết tật nghèo, bác sĩ Lê Thành Đô “bật mí”, trong suốt hành trình ông không đơn độc. Dù ban đầu khó khăn, nhưng ông luôn nhận được sự cộng tác, giúp đỡ từ bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng xã hội; tổ chức thiện nguyện trong và ngoài nước trợ lực.

Đặc biệt là sự trợ giúp đắc lực từ 3 người đồng nghiệp, cũng là 3 người học trò của ông. Đó là anh Lê Văn Thà, Nguyễn Nhật Linh và Nguyễn Văn Ngọc; hay những người “bạn thân” của xưởng như ông Willam Hoyt, Chủ tịch Unireach International (Mỹ); ông Kim, Chủ tịch Young San-ChoyoungKi Foundation (Hàn Quốc); ông Rodd Mann (Mỹ); bà Trần Thúy Nga ở Hà Nội…

Không những vậy, nhiều bác sĩ từ các bệnh viện Việt Đức, Viện Phục hồi chức năng, Trường Đại học Lao động, Thương binh-Xã hội tranh thủ những ngày nghỉ lễ, tết cũng về trợ giúp đắc lực cho ông.

Có thể nói, bác sĩ Lê Thành Đô không chỉ là tấm gương cho những người là thương binh, bệnh binh mà còn là tấm gương sáng cho ý chí, nghị lực và lòng nhân ái. Câu chuyện của ông thực đã trở thành nguồn cảm hứng, hướng con người đến những việc tốt đẹp, tích cực, tử tế trong cuộc sống hôm nay.

HIẾU ANH - HƯƠNG GIANG

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.