Bài 3: Tìm nhau sau cuộc chiến
Nỗi đau mất mátNhững đêm ngủ rừng, đạn bom, khiến họ vô tình đã nhiễm phải
chất độc da cam. Thứ chất độc quái ác đó đã cướp đi hạnh phúc của biết bao gia đình. Chị Trần Thị Hoa, quê gốc ở Thanh Hóa từng vào sinh ra tử suốt những năm tháng chống Mỹ tại Trường Sơn. Hòa bình lập lại, chị nghe theo tiếng gọi của tình yêu về lập gia đình với người thương binh từng gặp trong quân ngũ ở thôn Đồng Lân, xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Một năm sau, hạnh phúc của họ được nhân lên khi chị đã mang bầu. Thế nhưng, niềm vui chẳng trọn vẹn khi người con đầu lòng sinh ra không được bình thường. Thấm thoắt ngót 40 năm, hai người sinh được bảy đứa con, đứa nào cũng bị dị tật bẩm sinh. Mãi sau này, chị mới biết chính những năm tháng ác liệt trong chiến tranh chị đã bị nhiễm chất độc màu da cam nên ảnh hưởng đến chuyện sinh con. 40 năm sau ngày cưới, là từng ngày tháng chị chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác do những vết thương cũ tái phát. Đau lòng nhất là chị phải chịu nỗi bất hạnh khi sinh con không được bình thường. Đến năm 2010, thêm một lần nữa chị đau đớn khi người chồng vĩnh viễn ra đi.
Chị Đinh Thị Luân (SN 1957) ở thôn Trại Cháy, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn tình nguyện nhập ngũ khi mới 16 tuổi. Bảy năm công tác tại Sư đoàn 473, chị lập không ít chiến công và nhiều lần được khen thưởng. Sau ngày đất nước thống nhất, chị kết duyên với một người cùng quê. Tuy vậy, gia đình chị liên tiếp xảy ra nhiều biến cố. Bản thân chị bị ảnh hưởng chất độc màu da cam và bệnh sỏi thận nên sức khỏe yếu, thậm chí nhiều lần bị tai biến tưởng chừng không qua khỏi. Chồng chị bị liệt một chân, con trai cả ốm đau triền miên, gia đình chỉ biết dựa vào người con trai út, nhưng người con út đó không có việc làm ổn định nên cuộc sống gia đình rất khó khăn.
Những người như chị Luân dù bệnh tật nhưng ít nhất vẫn còn có con là nguồn động viên tinh thần. Nhiều nữ chiến sĩ trở về phải sống phần đời còn lại, trong bệnh tật và cô đơn. Cho đến giờ đây, những người đồng đội vẫn còn đầy thương cảm với người chiến sĩ quá cố Nguyễn Thị Mai (SN 1955) ở thôn Làng Chẽ, xã An Lập, huyện Sơn Động. Sau khi hòa bình lập lại, chị về quê sống cô quạnh một mình trong căn nhà cũ với những vết thương quặn thắt. Cuối đời chị bị ung thư và bệnh thận hành hạ cho đến lúc ra đi.
Tìm nhau để sẻ chiaTrở về sau cuộc chiến, nhiều nữ chiến sĩ phải đối mặt với những mảnh đời éo le, bù lại họ vẫn luôn nhận được sự giúp đỡ của đồng đội. Những năm qua, nhiều nữ chiến sĩ ở Bắc Giang tìm đến để sẻ chia, động viên, giúp đỡ lẫn nhau. Chị Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tâm sự, ngay sau cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc, mỗi người trở về đời thường lặn lội với cuộc sống mưu sinh, nhưng trong họ không nguôi nhớ về nhau.
Ở các địa phương, chị em vẫn tìm đến nhau để thăm hỏi nhau, nhưng do đời sống của ai cũng khó khăn nên phải đến năm 2007, Câu lạc bộ Nữ chiến sĩ Trường Sơn mới chính thức được thành lập. Đến năm 2009, được sự quan tâm của chính quyền, Câu lạc bộ đã phát triển thành Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang (Hội). Đến năm 2015, Hội đã tổ chức được Đại hội Đại biểu lần thứ hai nhiệm kỳ 2015-2020. Hiện nay, Hội có 270 hội viên ở 9 huyện, thành phố. Hội gồm 215 bộ đội, 32 thanh niên xung phong và 23 dân công hỏa tuyến.
Kể từ khi được thành lập, Hội đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Riêng năm 2017, Ban liên lạc tổ chức cho chị em gặp mặt thân mật vào các ngày lễ lớn như Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày mở đường Trường Sơn 19/5; Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, tại các ngày lễ có gần 700 lượt hội viên tham gia.
Ngoài ra, năm 2017, Ban liên lạc của Hội đã tổ chức 27 buổi giao lưu với Hội Cựu chiến binh, và Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn các tỉnh khác. Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như, đưa hội viên về thăm các khu di tích lịch sử Pắc Pó, Khe Sanh, Ngã ba Đồng Lộc, thăm chiến trường xưa tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị…
Đặc biệt, những năm qua, Hội liên tục cập nhật hoàn cảnh của các hội viên để sẻ chia, giúp đỡ kịp thời. Năm 2013, Ban liên lạc Hội đã kêu gọi ngân sách từ Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam hỗ trợ gia đình chị Đinh Thị Luân 50 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa. Ngoài ra, Hội cũng hỗ trợ 15 triệu đồng để chị Luân trang trải cuộc sống. Trong năm 2017, với sự năng động, nhiệt tình, lãnh đạo Hội đã đến nhiều đơn vị để vận động tài trợ cho các chị em gặp hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, Hội đã kêu gọi để xây dựng cho chị Trần Thị Hoa căn nhà mới trị giá 81 triệu đồng… Trong năm 2015, Hội cũng đã tích cực đến thăm nom, chăm sóc chị Nguyễn Thị Mai những ngày cuối đời, đến khi chị mất.
Từ khi thành lập đến nay, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang đã vận động hỗ trợ xây dựng gần 10 căn nhà tình nghĩa cho hội viên nghèo, tặng hơn 400 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, những việc làm của Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang thật sự là những việc làm rất có ý nghĩa. Điều đó đã góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau sau cuộc chiến và tiếp tục truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu đảm đang”.
HIẾU ANH