Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thực hiện chính sách thu hút đãi ngộ đặc thù: Cần có giải pháp để bịt “lỗ hổng”

PV - 10:49, 06/07/2018

Để thu hút đội ngũ tri thức về công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK, những năm qua, nhiều chính sách khuyến khích, đãi ngộ đã được triển khai. Tuy nhiên, do nhiều bất cập nên khi triển khai lại gây không ít vướng mắc, tạo ra tâm lý bất bình cho nhiều người được thụ hưởng.

Lập lờ chi phụ cấp thu hút

Từ năm 2006 đến nay, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được thụ hưởng chính sách thu hút, đãi ngộ đặc thù. Chính sách này được quy định tại 3 văn bản, gồm: Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010; Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009; Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc thực hiện các chính sách này đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các đối tượng hưởng lương, tạo thuận lợi cho việc thực hiện công tác điều động, luân chuyển và bố trí cán bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, từ sự chồng chéo của các chính sách đã dẫn tới những “lỗ hổng” làm thất thoát nguồn lực thu hút, không loại trừ nghi vấn lợi dụng chính sách để trục lợi.

Phụ cấp thu hút là nguồn cổ vũ, khuyến khích giáo viên vùng khó yên tâm công tác. Phụ cấp thu hút là nguồn cổ vũ, khuyến khích giáo viên vùng khó yên tâm công tác.

 

Rõ nhất là trong việc thực hiện chính sách thu hút giáo viên về vùng khó theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP; sau được bổ sung, sửa đổi theo Nghị định 19/2013/NĐ-CP, ngày 23/2/2013. Theo Nghị định này thì khi cán bộ, giáo viên được luân chuyển, điều động (thời hạn không quá 5 năm) về vùng khó khăn sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi. Tuy nhiên, có không ít trường hợp đang công tác ở vùng ĐBKK này được luân chuyển về vùng ĐBKK khác không được hưởng phụ cấp.

Như trường hợp của thầy giáo Nguyễn Văn Lương, sinh năm 1957, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Kim Lâm (xã Thanh Sơn, Thanh Chương, Nghệ An). Thầy Lương từng nhiều năm công tác ở các xã vùng cao của huyện Tương Dương, sau đó được chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THCS Cát Văn, cũng thuộc xã ĐBKK của huyện Thanh Chương.

Năm 2009, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương có Quyết định 2076/QĐ-UBND ngày 25/8/2009, điều động thầy Lương về làm Hiệu trưởng Trường THCS Kim Lâm, ngôi trường được thành lập năm 2006 để bảo đảm việc học tập cho con em đồng bào dân tộc Thái di dời tái định cư công trình Thủy điện Bản Vẽ. Thời hạn điều động là 5 năm (2009-2014).

Chiếu theo Nghị định 19/2013/NĐ-CP thì khi được điều động về Kim Lâm, thầy Lương được hưởng phụ cấp tái thu hút mỗi tháng hơn 7 triệu đồng. Đồng thời, theo Quyết định 2076/QĐ-UBND của UBND huyện Thanh Chương thì năm 2014, thầy Lương sẽ hết hạn luân chuyển, được trở về trường cũ. Nhưng thầy vẫn “tại vị” ở Trường THCS Kim Lâm đến lúc nghỉ hưu (đầu năm 2017) do huyện không thu xếp được vị trí. Không những vậy, số tiền phụ cấp thu hút trong 5 năm thầy cũng không được nhận.

Cùng với thầy Lương, trên địa bàn huyện Thanh Chương còn có thêm 38 trường hợp giáo viên được điều động, luân chuyển cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, tổng số tiền phụ cấp thu hút của các giáo viên được điều động, luân chuyển về vùng khó khăn nhưng không được nhận lên tới 3,2 tỷ đồng.

Bịt “lỗ hổng” bằng cách nào?

Chỉ ở một huyện mà đã có 39 cán bộ, giáo viên được điều động, luân chuyển không được hưởng phụ cấp thu hút theo đúng quy định, với số tiền không nhỏ. Vậy, cả nước có bao nhiêu trường hợp như vậy, và số tiền là bao nhiêu, đang “nằm” ở đâu?

Rất tiếc, những câu hỏi nêu trên đến nay vẫn chưa được kiểm tra, rà soát. Ngay tại Hội nghị Tổng kết về chính sách đối với người làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK do Bộ Nội vụ tổ chức tháng 8/2017, những băn khoăn này cũng không được giải đáp thỏa đáng.

“Điểm nhấn” tại Hội nghị tổng kết này chính là những con số. Đó là: Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Nội vụ, thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP, giai đoạn 2011-2015 đã có trên 1,6 triệu lượt người được hưởng chính sách, với tổng số tiền gần 25 nghìn tỷ đồng. Còn Bộ Y tế thì thống kê, thực hiện Nghị định 64/2009/NĐ-CP, giai đoạn 2009-2016, đã có 126.87 lượt cán bộ, viên chức y tế hưởng các chính sách, với tổng kinh phí thực hiện trên 2.784 tỷ đồng.

Việc thất thoát, lãng phí nguồn lực khi triển khai chính sách phụ cấp cho người làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK do chi nhầm, chi trùng đối tượng cũng đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận; đặc biệt là trong việc thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP. Nhiều địa phương do… đọc không kỹ văn bản nên đã chi sai hàng trăm tỷ đồng khi thực hiện chính sách này.

Nhưng tổng số tiền của việc chi nhầm, chi trùng đối tượng trong việc thực hiện chính sách phụ cấp cho người làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK hiện cụ thể là bao nhiêu? Cho đến nay, câu hỏi này vẫn chưa có đáp án chính xác.

Chính Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi đã chia sẻ rằng: Con số kinh phí thực hiện do Bộ Nội vụ báo cáo là được tổng hợp từ các địa phương, trong đó bao gồm cả kinh phí thực hiện các Nghị định 61/2006/NĐ-CP, Nghị định 19/2013/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK và Nghị định 64/2009/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK. Sự lẫn lộn trong đối tượng thụ hưởng chính sách ở cả 3 nghị định này đã khiến chúng ta không xác định rõ ràng được: Nhà nước đã chi bao nhiêu tiền để thu hút cán bộ về công tác tại các địa bàn ĐBKK? Chi sai ở những đối tượng nào? Và chi sai bao nhiêu tiền? Bây giờ xác định ai chi sai, chi sai khoản nào là rất khó.

Trước những bất cập nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách mới trên cơ sở tích hợp cả 3 chính sách đang triển khai để khuyến khích, động viên người làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK. Nhưng trong khi chờ có chính sách tích hợp mới thì các chính sách hiện hành vẫn được thực hiện. Do đó, các bộ ngành, địa phương liên quan cần tiến hành đánh giá, rà soát một cách cụ thể việc thực hiện chính sách thời gian qua, từ đó làm cơ sở để xây dựng một chính sách tích hợp hoàn thiện, phù hợp với nhiều địa bàn, đối tượng thụ hưởng.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ngày 26/12, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (Chương trình MTQG 1719) tại các huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Đoàn công tác do ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu. Cùng dự làm việc có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn 2 huyện.