Tham gia đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo một số địa phương vùng ĐBSCL.
Lần thứ 3 thị sát hiện trường dự án cầu Mỹ Thuận 2
Trong buổi sáng, Thủ tướng đã tới kiểm tra công trường thi công cầu Mỹ Thuận 2 ở đầu cầu phía Tiền Giang, động viên, tặng quà cán bộ, công nhân tham gia dự án. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng trực tiếp tới khảo sát hiện trường thi công cây cầu này, sau chuyến khảo sát vào cuối tháng 11/2022 và chuyến công tác đầu Xuân Nhâm Dần (tháng 2/2022).
Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài khoảng 6,61 km bắc qua sông Tiền, đi qua địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long; kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ thuộc dự án tuyến cao tốc phía đông giai đoạn 2017-2020.
Có tổng mức đầu tư 5.003 tỷ đồng, dự án cầu Mỹ Thuận 2 do Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Gói thầu chính do liên danh Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C thi công.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khi hoàn thành sẽ kết hợp với tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, rút ngắn thời gian di chuyển trên quãng đường này chỉ còn gần 2 tiếng so với 3-4 tiếng đồng hồ hiện nay, góp phần giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cầu Mỹ Thuận 2 đã hoàn thành; công tác triển khai thi công đến nay đạt 70,73% giá trị các hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Phần đường và cầu dẫn đã cơ bản hoàn thành, phần cầu chính hiện đã thi công xong trụ tháp, đã căng cáp dây văng cho đốt dầm đầu tiên, hoàn thành dự án trong năm 2023.
Đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài 22,97 km, đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, tổng mức đầu tư 4.826 tỷ đồng; quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h, giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe. Công tác giải phóng mặt bằng tuyến chính đã bàn giao 100%. Dự án đã cơ bản hoàn thành các cầu, đắp nền đường đến cao độ gia tải và đang theo dõi diễn biến lún, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2023.
Tặng quà, động viên công nhân trên công trường cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng biểu dương và đề nghị nhà thầu tiếp tục áp dụng tất cả các biện pháp kỹ thuật tốt nhất, hiện đại nhất, tập trung nhân lực, phương tiện, tăng ca, kíp, tổ chức thi công khoa học để bảo đảm tiến độ, phấn đấu rút ngắn tiến độ 3 tháng, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, không đội vốn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đồng thời quan tâm đời sống công nhân, không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ để làm thêm các công trình quan trọng khác cho đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, ĐBSCL đã được quy hoạch 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang, nhiều dự án đang được triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ; các địa phương cần chủ động xây dựng các tuyến kết nối. Thủ tướng yêu cầu xây dựng các nút giao phù hợp để khai thác tốt nhất quỹ đất và không gian phát triển mới do các tuyến cao tốc tạo ra.
Thủ tướng một lần nữa lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, "qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi". Qua đó, giảm được khâu giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.
Tiếp đó, Thủ tướng di chuyển về huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, kiểm tra dự án Cần Thơ - Hậu Giang thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông và chúc mừng năm mới cán bộ, công nhân tham gia dự án.
6 tuyến cao tốc dài 1.166 km
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, khu vực ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km với quy mô từ 4 đến 6 làn xe. 6 tuyến này gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc, 3 tuyến cao tốc trục ngang.
Ba tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575 km gồm cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 245 km, cao tốc Bắc - Nam phía tây dài 180 km, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150 km.
Ba tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591 km gồm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191 km, cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km, cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài 188 km.
Đến thời điểm hiện nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171 km, gồm đoạn Bến Lức – Trung Lương (40 km); Trung Lương – Mỹ Thuận (51 km); Cao Lãnh – Lộ Tẻ (29 km); Lộ tẻ - Rạch Sỏi (51 km), trong đó đoạn Cao Lãnh – Lộ Tẻ hiện tổ chức giao thông hỗn hợp, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sử dụng mặt đường láng nhựa để chờ lún, các tuyến này Bộ GTVT đang tiếp tục đầu tư để khai thác theo quy mô cao tốc.
Còn 8 dự án đang thực hiện thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai 4 bảo đảm cơ bản hoàn thành trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng.
Như vậy, đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc, các tuyến cao tốc còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.