Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thu nhỏ bức tranh "Long vân khế hội" trên mặt số đồng hồ

Chí Tín - Vũ Mừng - 16:50, 18/02/2024

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, giới mộ điệu và công chúng yêu hội họa không khỏi thích thú khi được chiêm ngưỡng bức tiểu họa “Long vân khế hội” trên mặt số đồng hồ. Tác giả của tác phẩm nghệ thuật độc đáo này, không ai khác đó chính là Vũ Thùy Dương - Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có thể đưa yếu tố mỹ thuật vào trong những chiếc đồng hồ cao cấp.

Loại hình nghệ thuật độc đáo

Ở nhiều nước trên thế giới nghề trang trí đồng hồ không còn xa lạ, nhưng tại Việt Nam đây vẫn được xem là bộ môn nghệ thuật chứa đựng những điều mới mẻ, đòi hỏi sự tinh thông về những kỹ thuật cầu kỳ, tỉ mẩn và vô cùng tinh tế. Để có thể thực hiện được những bức tranh nhỏ, siêu chi tiết trên mặt đồng hồ có đường kính trên dưới 3cm, người họa sĩ cần phải làm việc dưới kính hiển vi để có được sự tập trung cao độ mới không bỏ qua từng chi tiết dù là nhỏ nhất. 

Vũ Thùy Dương - Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có thể đưa yếu tố mỹ thuật vào trong những chiếc đồng hồ cao cấp
Vũ Thùy Dương - Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có thể đưa yếu tố mỹ thuật vào trong những chiếc đồng hồ cao cấp

Khác với hội họa thông thường, yếu tố quyết định sự ấn tượng của tranh tiểu họa sẽ căn cứ ở hình khối, hình dạng, màu sắc, kích thước của vật liệu thể hiện, để mường tượng ra thứ mình cần họa trên đó sao cho phù hợp, tương xứng nhau.

Điểm đặc biệt của nghệ thuật tiểu họa nói chung và nghề vẽ trên mặt đồng hồ nói riêng,  đó là người họa sĩ đôi khi dùng những dụng cụ vẽ rất nhỏ. Phần lớn những hoạ cụ sẵn có rất khó đáp ứng được yêu cầu vẽ chi tiết. Khi ấy người thợ phải đem chế lại. Mỗi chiếc bút lông được tỉa chỉ còn 2-3 sợi siêu mảnh để đầu bút đi được những nét tinh tế. Ngoài ra, có những chi tiết phải vẽ bằng đầu bút kim loại đường kính chỉ 0,08mm.

Thỏa đam mê với chi tiết “siêu nhỏ”
Thỏa đam mê với chi tiết “siêu nhỏ”

Cách đây hơn 100 năm khi viết cuốn hồi ký xứ Đông Dương, viên toàn quyền người Pháp Paul Doumer từng ca ngợi: “Các thợ thủ công Bắc Kỳ làm việc chăm chỉ và thuần thục. Họ thành công một cách đáng ngưỡng mộ trong các công việc đòi hỏi tỉ mỉ và tinh xảo. Họ có khiếu thẩm mỹ và một số người trong bọn họ là những nghệ nhân thực sự. Họ không phải là những người thợ bắt chước một nền nghệ thuật ngoại quốc. Dẫu vẻ bề ngoài của những sản vật lộ rõ mối quan hệ với những đồ vật Nhật Bản và Trung Hoa, thì chúng vẫn không phải được lấy cảm hứng từ đó; những người thợ đã tạo ra một nghệ thuật An Nam, với các hình mẫu và cách trang trí của chính họ”.

 Dường như chân lý ấy vẫn còn đúng đắn và xác thực cho tới tận ngày hôm nay, khi nhìn ngắm cách mà Dương tạo ra những bức vẽ trên mặt đồng hồ đầy lung linh, huyền ảo. Mỗi một lượt màu, mỗi một chi tiết xếp đặt thành từng lớp, như những lát cắt của quá khứ, hiện tại và tương lai chồng lấn lên nhau.

Mặc dù Vũ Thùy Dương có đưa vào tranh nhiều hòa sắc và tạo hình theo tinh thần của hội họa phương Tây, nhưng rõ ràng có sự thừa kế từ tranh sơn dầu và khắc gỗ truyền thống Á Đông. Điều cô họa sĩ trẻ hướng đến, là những câu chuyện đằng sau những bức hoạ ấy, qua lăng kính của riêng mình để mang đến cảm giác thật quen thuộc nhưng cũng đầy lạ lẫm, và chạm đến cảm xúc của con người...

Tác phẩm đồng hồ "Long vân khế hội" của Vũ Thùy Dương
Tác phẩm đồng hồ "Long vân khế hội" của Vũ Thùy Dương

“Cuộc đối thoại” giữa giá trị truyền thống với hiện đại

Ngày hôm nay, người lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc để sáng tạo không hiếm, thế nhưng, tìm được tác phẩm có hồn và hàm chứa những rung động nghệ thuật thực sự thì lại là điều không dễ dàng… Chính vì lẽ đó, khi tác phẩm đồng hồ "Long vân khế hội" của Vũ Thùy Dương vừa kịp hoàn thành, tôi lại tìm về không gian sáng tác nhỏ của Dương trên con phố Nguyễn Ngọc Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) để chiêm ngưỡng tác phẩm có một không hai ấy!

Nói về tác phẩm của mình, Vũ Thùy Dương bộc bạch: Bức tranh "Long vân khế hội" (hay còn gọi là Cửu Long ẩn vân) vốn được xuất hiện tại chùa Diệu Đế (Huế) - ngôi chùa được coi là Quốc tự dưới triều Nguyễn.

 Chùa Diệu Đế được vua Thiệu Trị cho xây dựng vào năm 1844 (năm Giáp Thìn, Thiệu Trị tứ niên) và tranh Long vân khế hội ra đời vào giai đoạn 1953-1955. Trong bức tranh có năm con rồng uốn lượn, ẩn hiện trong mây trên tầng điện Đại Giác và bốn con rồng quấn quanh bốn cột trụ lớn. Tổng thể bức tranh có chín con rồng, số chín theo cách đọc Hán tự, được phiên âm là “cửu”, tượng trưng cho sự bền vững, trường tồn.

 Theo quan niệm dân gian, số chẵn thuộc âm, số lẻ thuộc dương. Trong đó, số chín là số lớn nhất trong dãy số dương, nên còn được gọi là số cực dương, ngầm mang ý nghĩa sinh sôi, hưng thịnh.

Nét truyền thống trong hiện đại
Nét truyền thống trong hiện đại

Trong văn hóa, lịch sử cũng như các lĩnh vực khác, rồng là hình tượng có địa vị quan trọng được quy định rõ ràng và số lượng móng rồng thể hiện cho mức độ cao quý của bản thân loài rồng, số lượng móng rồng được chia như sau: Rồng năm móng là chỉ vua, hoàng đế, rồng bốn móng là chỉ những người trong hoàng tộc, rồng ba móng là chỉ quan viên các cấp.

 Cũng vậy, trong hình tượng nghệ thuật cũng tuân theo nguyên tắc này. Rồng trong các tác phẩm điêu khắc hay tranh tường phần lớn là rồng bốn móng hoặc ba móng chứ năm móng khá ít gặp. Bức tranh Long vân khế hội tại chùa Diệu Đế, được thực hiện với sự bảo trợ của Hoàng Thái hậu Từ Cung, nhưng trong bức tranh chín con rồng được thể hiện đó, có tám con rồng là có bộ năm móng và một con rồng được vẽ bộ bốn móng, đây cũng là một chi tiết khá thú vị.

Chi tiết rồng bốn móng có lẽ là sự giao thoa giữa nghệ thuật cung đình và nghệ thuật nhân gian từ đó hỗn dung vào nghệ thuật đình chùa. 

Một phần của bức tranh Long vân khế hội thể hiện trên chiếc đồng hồ năm Thìn
Một phần của bức tranh "Long vân khế hội" thể hiện trên chiếc đồng hồ năm Thìn

Còn xét trong kinh điển Phật giáo, hình ảnh loài rồng tượng trưng cho sự linh thiêng, phi thường. Rồng cũng biểu thị cho sự trường tồn vĩnh cửu của pháp Phật tại thế gian; cũng như ước muốn cho sự hòa bình, nguyện cầu quốc thái dân an, âm siêu dương thái, thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc.

Trong bức tranh "Long vân khế hội" những đám mây lúc ẩn, lúc hiện, lúc dày, lúc mỏng… theo tư tưởng, triết lý của nhà Phật gọi đó là sự luân hồi. Trong vòng quay liên tục của đời sống, có lúc thăng lúc trầm, dù ở trạng thái nào, cũng mong là bạn luôn vươn mình bay lên, mạnh mẽ nhưng đầy uyển chuyển như rồng trong mây.

Có thể nói bức tranh "Long vân khế hội" là một tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn từ hình thức cho đến nội dung, từ triết lý cho đến tư tưởng. Để đồng hành cùng những giá trị truyền thống của dân tộc, Vũ Thùy Dương đã mang hơi thở của tác phẩm trác tuyệt này thể hiện một phần trên chiếc đồng hồ nămThìn…

Trong quan niệm nghệ thuật của mình, Thùy Dương chia sẻ: Đi đến tận cùng của truyền thống là hành trình mà Dương đã ấp ủ từ lâu. Và tôi cũng tin rằng, hành trình ấy của Vũ Thùy Dương không chỉ là kế thừa vẻ đẹp truyền thống, mà còn đan xen nét đẹp hiện đại đơn giản, thanh lịch, tạo nên một phong cách mới với quan điểm mỹ thuật tinh tế.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp như tranh vẽ của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp như tranh vẽ của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 khi đến Hoàng Su Phì (Hà Giang) du khách dễ dàng bắt gặp những khoảnh khắc đẹp huyền ảo đến ngây ngất lòng người, từ cảnh mây trời, núi non và những thửa ruộng bậc thang nối dài tít tắp, lúa đang bắt đầu dần chuyển sang màu vàng óng... Bức tranh về thiên nhiên, cuộc sống hòa quyện níu giữ bước chân của du khách.