Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thông tin tiếp bài “Người dân sống bấp bênh sau 12 năm nhường đất cho nhà máy”: Chính quyền “đá bóng” trách nhiệm?

PV - 10:02, 09/05/2018

Báo Dân tộc và Phát triển số 1408, ra ngày 27/4 có bài viết: “Người dân sống bấp bênh sau 12 năm nhường đất cho nhà máy”.

Nội dung phản ánh sự việc 28 hộ đồng bào dân tộc Thái ở bản Tam Sơn, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã rời bản làng cũ sang khu tái định cư nhường đất cho nhà máy xi măng Công Thanh. Tuy nhiên, 12 năm trôi qua, hàng chục hộ dân này vẫn chưa thể “an cư”. Sau khi báo đăng tải, chúng tôi tiếp tục nhận được phản hồi từ cơ sở.

Mỏi mòn chờ sổ đỏ!

Theo phản ánh của các hộ dân, năm 2006, khi nhường đất cho Nhà máy xi măng Công Thanh, họ được nhận tiền đền bù đất nông nghiệp; còn đất ở thì được đền bù theo hình thức đất đổi đất. Đất cũ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); khi đổi lấy đất mới (đất tái định cư), dù đã bị nộp thêm tiền mua đất nhưng đến nay, đất mới vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Người dân bản Tam Sơn chưa được cấp sổ đỏ. Người dân bản Tam Sơn chưa được cấp sổ đỏ.

Như hộ ông Lô Văn Bảy, Trưởng thôn Tam Sơn, khi ở đất cũ ông được quyền sử dụng 2.000m2 (bao gồm đất ở và đất nông nghiệp). Nhường đất, gia đình ông được đền bù hơn 100 triệu đồng. Khi chuyển sang nơi ở mới, gia đình ông được cấp 400m2 đất ở.

“Khi nhận tiền đền bù, UBND huyện Tĩnh Gia đã trừ mỗi hộ 22,4 triệu đồng, họ bảo tiền đó là để mua lại suất tái định cư 400m2 chúng tôi đang ở hiện nay. Dù đã bỏ tiền nhưng sau 2 năm chuyển về nơi ở mới, chúng tôi vẫn chưa được cấp sổ đỏ”.

Việc huyện Tĩnh Gia trích lại tiền của các hộ dân di dời cũng được ông Lương Văn Niên, thôn Tam Sơn và các hộ dân khác xác nhận: “Khi nhận tiền đền bù để di dời, xã và huyện trừ ngang luôn 22,4 triệu đồng. Mặc dù khi nộp tiền không có biên lai thu nhận, nhưng chúng tôi cứ đinh ninh, Nhà nước đã thu tiền thì sẽ cấp sổ đỏ cho dân”, ông Niên bày tỏ.

Tìm hiểu vụ việc, phóng viên được biết, ngày 21/8/2006, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 2282/QĐ-UBND, thu hồi 21.427m2 đất tại xã Tân Trường để giao cho UBND huyện Tĩnh Gia quản lý xây dựng hạ tầng, bố trí tái định cư cho các hộ dân phải di chuyển để xây dựng Nhà máy xi măng Công Thanh. Quyết định này cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND huyện Tĩnh Gia là thực hiện đầu tư xây dựng khu tái định cư theo quy hoạch và các quy định pháp luật hiện hành.

Điều này cũng có nghĩa, việc thu hồi đất cũ và bố trí tái định cư cho 28 hộ dân là trách nhiệm của UBND huyện Tĩnh Gia, phối hợp với chủ đầu tư là Nhà máy xi măng Công Thanh và chính quyền địa phương là UBND xã Tân Trường. Theo lẽ thường, chủ đầu tư bỏ tiền đền bù giải phóng mặt bằng; chính quyền sở tại hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý để giao đất, cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân tái định cư.

“Đá bóng” trách nhiệm?

Vậy nhưng, trong buổi làm việc với ông Khương Văn Dũng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường, phụ trách Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất (thuộc UBND huyện Tĩnh Gia), chúng tôi nhận được những thông tin khá bất ngờ. Tại buổi tiếp xúc, ông Dũng cho biết: “Theo hồ sơ kiểm tra lưu trữ tại đây thì không có hồ sơ gì liên quan đến việc bồi thường thu hồi đất” (!?).

Trong khi đó, tại buổi làm việc với UBND xã Tân Trường, ông Nguyễn Ngọc Bê, Chủ tịch UBND xã Tân Trường lại khẳng định: “Bà con nhường đất lại, ra khu tái định cư để ở. Vị trí khu tái định cư này là đất đổi đất chứ không phải là bà con lấy tiền”.

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên bên lề một cuộc họp, ông Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, nguyên Trưởng ban Kiểm kê-GPMB dự án Nhà máy xi măng Công Thanh, khẳng định, khu tái định cư do Nhà máy xi măng Công Thanh bỏ tiền ra mua (!). “Tái định cư phải có ngân sách nhà nước làm. Nhưng ngân sách nhà nước không làm được cho nhà máy nên nhà máy phải bỏ tiền ra làm tái định cư bên đây”, ông Tùng cho biết.

Những thông tin của đại diện chính quyền địa phương xã Tân trường và huyện Tĩnh Gia hoàn toàn phù hợp với chia sẻ của ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công Thanh. Trao đổi qua điện thoại, ông Lý cho biết: “Đã trả hết tiền cho tỉnh và địa phương từ hồi đó đến giờ, còn tỉnh và địa phương muốn làm gì đó là việc của tỉnh và địa phương. Cả tiền giải phóng mặt bằng, cả tiền tái định cư, tất cả tôi làm hết rồi”.

Từ những thông tin trên, có thể thấy, nhà đầu tư đã chi trả chi phí giải phóng mặt bằng cũng như các chi phí khác cho chính quyền địa phương và người dân di dời tái định cư để thực hiện dự án Nhà máy xi măng Công Thanh. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, như phản ánh của các hộ dân, khi nhận tiền đền bù thì họ bị trừ 22,4 triệu đồng/hộ, với lý do là nộp tiền mua 400m2 đất tái định cư.

Vậy, số tiền này hiện đi đâu? Vì sao chính quyền sở tại vừa nhận kinh phí chi trả giải phóng mặt bằng của doanh nghiệp, lại trừ tiền của các hộ dân di dời? Và nữa, nếu số tiền 22,4 triệu đồng/hộ này, nếu được nộp vào ngân sách thì đó là cơ sở để chính quyền địa phương phải cấp sổ đỏ cho các hộ dân? Vậy vì sao đến nay, sau 12 năm, các hộ dân vẫn chưa được cấp?

Những câu hỏi này rất cần UBND huyện Tĩnh Gia, UBND tỉnh Thanh Hóa sớm có câu trả lời cho công luận. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin đến bạn đọc.

THU THẢO

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.