Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thời cơ mới, vận hội mới

Trường Giang - 23:03, 11/02/2021

Năm 2020 đã khép lại, đánh dấu một năm với nhiều thành tựu đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực công tác dân tộc. Từ đó, mở ra một giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững ở vùng DTTS và miền núi.

Văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được quan tâm bảo tồn và phát huy hiệu quả. (Ảnh Lê Hương)
Văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được quan tâm bảo tồn và phát huy hiệu quả. (Ảnh Lê Hương)

Khởi đầu cho sự phát triển bền vững

Trong rất nhiều những sự kiện của lĩnh vực công tác dân tộc trong năm qua, không thể không nhắc đến sự kiện đặc biệt quan trọng: Ngày 19/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Với Nghị quyết này, đây là lần đầu tiên lĩnh vực công tác dân tộc có một Chương trình mục tiêu quốc gia, là giải pháp quan trọng mang tính đột phá nhằm tập trung nguồn lực phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS và miền núi.

Sở dĩ nhấn mạnh rằng sự kiện này đã mở ra một giai đoạn phát triển toàn diện và bền vững đối với vùng DTTS và miền núi là bởi, trước khi Nghị quyết 120/2020/QH14 được Quốc hội ban hành, từ năm 2019 trở về trước, câu chuyện về thiếu nguồn lực, chồng chéo trong thực hiện chính sách dân tộc là những tồn tại lớn nhất, dai dẳng nhất suốt nhiều năm qua.

Vấn đề bất cập này không chỉ được đề cập tới trong các cuộc hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết… chính sách của riêng Ủy ban Dân tộc hay các bộ, ngành, mà các đại biểu Quốc hội cũng thường xuyên đề cập rất gay gắt tại các kỳ họp Quốc hội mỗi khi bàn về tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi…

Tuy nhiên, với việc Nghị quyết 120/2020/QH14 được ban hành, tình trạng chính sách chờ vốn đã chính thức được khép lại. Nghị quyết nêu rõ: Thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm, chia làm 2 giai đoạn, từ năm 2021 đến năm 2025 và từ năm 2026 đến năm 2030. Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, tối thiểu là 137.664 tỷ đồng. Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030.

Như vậy, với nguồn lực được Quốc hội thông qua, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo từng giai đoạn, việc thực hiện các chính sách dân tộc sẽ thuận lợi, bền vững. Đồng thời, sự chồng chéo trong việc quản lý, ban hành chính sách dân tộc cũng được giải quyết triệt để. Tất cả được quy về một mối - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với 10 tiểu dự án thành phần phủ kín hết mọi mặt trong đời sống xã hội.

Nhìn nhận về ý nghĩa và tính bền vững của Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội, ông Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng – một trong những tỉnh miền núi khó khăn nhất của cả nước khẳng định: Nghị quyết số 120 của Quốc hội là Chương trình lớn và toàn diện, thể hiện rõ nét tính tập trung căn cơ và không dàn trải, phù hợp với tâm nguyện của đồng bào. Đồng thời, ông cũng cho rằng, đây thực sự là cơ hội lớn cho miền núi phát triển bền vững. Nếu làm tốt chương trình này, đồng bào không chỉ có “cần câu” mà còn có cả “ao cá, giống cá” để vươn lên…

Củng cố niềm tin, gắn kết cộng đồng

Nghị quyết 120/2020/QH14 được ban hành không chỉ là niềm vui, hạnh phúc lớn lao của những người làm công tác dân tộc mà còn tạo ra sự phấn khởi, tin tưởng kỳ vọng về tương lai tươi sáng với đồng bào các DTTS trước những quyết sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng DTTS và miền núi. Niềm vui, sự tin tưởng, kỳ vọng ấy càng được nhân lên khi đầu tháng 12/2020, Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II thêm một lần nữa thể hiện chủ trương nhất quán, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với công tác dân tộc, với đồng bào các DTTS.

10 năm kể từ Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ Nhất, Đại hội lần này chính là dịp để đánh giá lại quyết tâm thư của kỳ Đại hội trước cũng như những thành tựu đạt được trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… vùng DTTS và miền núi. Theo đó, mặc dù nguồn lực còn khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ đầu tư cho vùng DTTS và miền núi. Các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và nguồn ngân sách đầu tư công đã tập trung xây dựng hàng vạn công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… ở vùng DTTS và miền núi; làm cho bộ mặt nông thôn miền núi đã có bước phát triển mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng đồng bộ hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân.

Đồng thời, công tác xóa đói, giảm nghèo được Đảng và Nhà nước chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, được cả xã hội quan tâm, đồng lòng ủng hộ, đạt được kết quả nổi bật. Bình quân hằng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%. Bước đầu đã thu hẹp một bước địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn; giai đoạn 2015 - 2019 đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn…

Những kết quả ấy thực sự làm nức lòng đồng bào DTTS cả nước, củng cố chặt chẽ niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng DTTS và miền núi.

Và cũng chính từ Đại hội, gần 1.600 tấm gương xuất sắc trong lao động, sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự… đại diện cho hơn 14,2 triệu đồng bào của 53 DTTS trên cả nước được hội ngộ, được vinh danh trong ngày gặp mặt. “Khi riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng là đại dương” - câu nói ấy của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 cũng chính là sự gửi gắm sâu sắc ý nghĩa về sự đoàn kết các dân tộc của lãnh đạo Đảng Nhà nước. Để từ đó, những người con ưu tú của các dân tộc anh em cùng nhau thắt chặt hơn nữa, lan tỏa hơn nữa tình đoàn kết, quyết tâm xây dựng bản làng, quê hương giàu đẹp…

Bước sang năm mới 2021 với không ít khó khăn, thách thức phía trước, song với những kết quả to lớn đã đạt được trong năm 2020, sẽ là động lực mạnh mẽ để chúng ta vững tin, quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030…

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.