Tuy nhiên, hiện, Việt Nam vẫn còn khoảng 9 triệu người sống trong đói nghèo. Những thách thức còn lại trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung của Việt Nam còn nhiều gian nan phía trước.
Những phát hiện và khuyến nghị của WB sẽ rất quan trọng và hữu ích trong việc đưa ra thông tin cho các chính sách chiến lược của Việt Nam trong tương lai.
Xóa nghèo cùng cực và thúc đẩy sự thịnh vượng chung là hai mục tiêu của WB nhằm hỗ trợ các quốc gia.
Với Việt Nam, WB khuyến nghị: Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì việc làm và tăng lương mà không giảm khả năng cạnh tranh; thực hiện cải cách giáo dục nhằm đảm bảo sự công bằng trong các cơ hội và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thông qua thay đổi mô hình sử dụng đất nông nghiệp, tăng cường quyền sử dụng đất và nâng cao kỹ năng cho nông dân nghèo…
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đã chỉ ra: Chương trình giảm nghèo đang thay đổi chứ không đứng yên. Ví dụ như khi thoát nghèo, khát vọng của người dân thay đổi, chuyển trọng tâm từ chỗ chỉ đơn thuần là ăn no mặc ấm, đến mục tiêu kiếm đủ tiền để đảm bảo về kinh tế và sống cuộc sống của tầng lớp trung lưu. Điều này lại đòi hỏi thu nhập trong tương lai thậm chí phải tăng với tốc độ cao hơn. Chương trình nghị sự không chỉ là tạo công ăn việc làm, mà tạo việc làm và cơ hội kinh tế tốt hơn.
Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp để người nghèo ở nông thôn, đặc biệt là ở miền núi, có thể trồng trọt hoặc tham gia các hoạt động nông nghiệp mang lại giá trị cao nhất ở đó. Dựa vào thành công của Việt Nam trong giáo dục phổ thông, cần tạo cơ hội để trẻ em từ mọi thành phần có cơ hội thành công và có chất lượng giáo dục đại học tốt và xây dựng các kỹ năng để có công việc tốt trong tương lai.
Tại Hội thảo công bố báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng ở Việt Nam” do WB tổ chức ngày 5/4 vừa qua, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của WB và cho rằng những nhận định, đánh giá và khuyến nghị nêu trong Báo cáo sẽ là cơ sở quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành tham khảo trong xây dựng các chính sách tăng trưởng, giảm nghèo nhanh và bền vững, phù hợp với thực tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng cho biết: Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang cùng các bộ, ngành triển khai đánh giá hiệu quả của hệ thống chính sách dân tộc, nhất là các chính sách giảm nghèo đã triển khai để đề xuất định hướng chính sách thời gian tới.
Với quan điểm là tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số bình đẳng hơn trong tiếp cận các cơ hội việc làm, an sinh xã hội, thông tin, thị trường, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực… Tăng cường thực hiện các mục tiêu Thiên nhiên kỷ. Theo Thứ trưởng Phan Văn Hùng, để thực hiện mô hình tăng trưởng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững ở vùng dân tộc, thời gian tới cần hệ thống giải pháp đồng bộ, có những giải pháp mang tính đột phá…
Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, WB đã cam kết sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để xây dựng một xã hội thịnh vượng, công bằng, không còn đói nghèo và mang lại cơ hội tốt hơn cho tất cả mọi người. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư, kết nối để tạo nhiều cơ hội hơn cho người nghèo, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số để họ vươn lên làm giàu, hướng tới sự thịnh vượng chung của toàn xã hội.
THANH HUYỀN