Huyện Sa Pa, có thanh niên Lý Láo Lở, ở xã Tả Phìn đang sở hữu bài tắm lá thuốc của người Dao đỏ được nhiều người tin dùng. Theo lời anh Lở, người Dao đỏ nhiều đời nay đã quen với việc tắm nước thuốc từ những lá, hoa, cây, củ, quả... mọc tự nhiên trên rừng. Ngày xưa, chỉ có người giàu, quan lại mới có điều kiện để tắm lá thuốc thường xuyên. Còn người nghèo thì, mỗi năm chỉ có điều kiện tắm vào dịp Tết, vừa để “sạch người” trước phút giao thừa đón chào năm mới, vừa để tăng cường sức khỏe cho 1 năm tiếp theo...
Với mục đích ngày càng có nhiều người biết và được tắm lá thuốc này, anh Lở đã thành lập Công ty SapaNapro. Tuy nhiên, Tả Phìn là xã vùng sâu, vùng xa ít người biết tới nên thời gian đầu, Công ty gặp rất nhiều khó khăn do thông tin bị hạn chế. Để từng bước quảng bá, giới thiệu sản phẩm, công dụng khi tắm lá thuốc, anh Lở và mọi người trong Công ty làm đủ mọi cách, trong đó theo anh Lở mạng Internet đã đóng góp vai trò vô cùng quan trọng.
“Bây giờ mọi người chỉ cần vào mạng sẽ có đầy đủ thông tin về Công ty mình, từ chỉ dẫn đường đi, các sản phẩm, rồi giá cả, tác dụng của bài thuốc tắm ra sao...tất cả đều có trên mạng hết. Có thể nói, Công ty mình phát triển đến ngày hôm nay cũng nhờ một phần không nhỏ của mạng Internet”, anh Lở chia sẻ.
Những năm gần đây, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lào Cai là một trong những đơn vị có thành tích đứng tốp đầu của giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Góp phần làm nên thành quả này là, nhà trường đặc biệt quan tâm, giúp các em học sinh tiếp cận với công nghệ thông tin. Thông qua môn tin học, các em được trang bị kiến thức, hiểu biết để khai thác hiệu quả mạng Internet phục vụ cho việc học tập.
Em Ma Seo Hòa, học sinh lớp 12a chia sẻ: Với lượng kiến thức của năm cuối cấp, thì việc học ở trên lớp đối với các em là chưa đủ, khi lên mạng Internet các em có điều kiện tìm hiểu các cách giải hay, mới. Bên cạnh đó, khi lên mạng các em có điều kiện giao lưu với các bạn học sinh các trường khác, học hỏi từ bạn bè về phương pháp học tập.
Vào những dịp nghỉ hè, thông qua mạng Internet các em còn có thể tìm hiểu được nhiều kiến thức bổ ích trong sản xuất, chăn nuôi để hướng dẫn lại cho gia đình, cha mẹ, người thân thực hiện...
Cô giáo Trần Xuân Mai, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để phát huy hiệu quả của môn tin học, nhà trường chủ động loại bỏ những phần học không còn phù hợp và bổ sung những nội dung học có tính ứng dụng thực tế như: Tìm kiếm Internet, lập bảng biểu, soạn thảo văn bản... Hằng năm, nhà trường đểu tổ chức các lớp học nghề tin học cho các em, chính vì vậy hầu hết các em khi tốt nghiệp đều có trình độ tin học tương đối tốt. Từ việc nắm vững kiến thức về tin học, đã bổ trợ cho các em học tốt hơn các môn học khác từ việc lên mạng tìm kiếm những bài tập hay, những cách giải mới.
“Trong năm học 2017-2018, trường đạt hai giải nhì về tin học, với hai đề tài “Hệ thống thông báo và quản lý học sinh trên phần mềm hệ thống” và “tạo sổ báo giảng và đầu bài trên Google trang tính” do chính các em học sinh của trường nghiên cứu xây dựng. Trước đó vài năm, đề tài “Trống tự động trong trường học” của học sinh nhà trường đạt giải ba cấp tỉnh. “Đề tài có tính ứng dụng rất cao, với việc thiết lập qua hệ thống máy tính-loa, giờ ra chơi, vào lớp trống sẽ tự động đánh rất chính xác”, cô Mai cho biết.
Theo thống kê, thời gian qua Lào Cai là một trong những tỉnh có tỷ lệ phát triển hạ tầng mạng lưới công nghệ thông tin dẫn đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Hiện nay, hệ thống cáp quang bảo đảm cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao đến 110% các trung tâm huyện, thị trấn và 100% xã, phường của TP. Lào Cai. Đến nay, đã có 140/164 xã, phường (đạt tỷ lệ 85%) và 512/1.700 thôn bản, đạt tỷ lệ gần 30% sử dụng Internet cáp quang tốc độ cao.
Việc mở rộng diện phủ sóng Internet đã và đang góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa; đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các DTTS trên địa bàn.
TRỌNG BẢO