Theo báo cáo kết quả thực hiện quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2022 đạt 3,62%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 97%.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút thêm 2 doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo; 9 doanh nghiệp thu mua, chế biến rau quả, nâng tổng số doanh nghiệp thu mua chế biến gạo trên địa bàn tỉnh lên 7 doanh nghiệp, tổng công suất 180.000 tấn; 25 doanh nghiệp thu mua, chế biến rau quả.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung. Việc củng cố, phát triển hợp tác xã (HTX) được các địa phương tiếp tục quan tâm, thực hiện có hiệu quả, và đến nay toàn tỉnh có 749 HTX nông nghiệp đang hoạt động, trong đó 523 HTX hoạt động hiệu quả và có tham gia liên kết bền vững, chiếm 69,8%.
Năm 2022 toàn tỉnh Thanh Hoá tạo việc làm mới cho 58.950 lao động, trong đó đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 10.920 lao động, tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 70.100 người.
Kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân được nâng lên, các địa phương có điều kiện huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng NTM. Cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM, nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hơn 2.779 km đường giao thông nông thôn, 933 km kênh mương và rãnh thoát nước, 229 công trình thủy lợi.
Cùng với đó, 2.677 phòng học, 1.269 km đường điện, 331 trạm biến áp, 75 trung tâm văn hóa - thể thao xã, 731 nhà văn hóa thôn, 66 chợ nông thôn, 78 trạm y tế, 38 công sở xã, 59 công trình cấp nước sinh hoạt, 18 bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch cũng được xây dựng mới. Nhân dân các vùng quê trong tỉnh cũng huy động nguồn lực để chỉnh trang, xây mới trên 46.000 nhà ở dân cư theo tiêu chí NTM.
Xây dựng NTM cũng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp, văn hóa đặc trưng của các dân tộc, các địa phương trong tỉnh; khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư.
Với những cách làm phù hợp, hiệu quả, trong 2 năm 2021 - 2022 và quý I/2023, Thanh Hóa đã có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 35 xã và 148 thôn, bản được công nhận đạt Chuẩn NTM; 53 xã đạt NTM nâng cao; 11 xã và 254 thôn, bản đạt Chuẩn NTM kiểu mẫu; 223 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Bình quân chung toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí NTM/ xã. Nềm tin và sự kỳ vọng đối với sự thành công của Chương trình xây dựng NTM sẽ là nền tảng, động lực để Thanh Hóa hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Toàn tỉnh Thanh Hóa đã huy động được trên 13.900 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các tiêu chí NTM, xây dựng các sản phẩm OCOP. Nhiều công trình hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo; nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả được triển khai, nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Tính đến ngày 15/3/2023 toàn tỉnh Thanh Hóa có 700 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM, chiếm 52,4%; 317 thôn/bản kiểu mẫu, chiếm 9,4% tổng số thôn bản toàn tỉnh. Điển hình xây dựng NTM cấp thôn là huyện Đông Sơn với hầu hết các thôn đạt chuẩn NTM, trong đó có tới 62 thôn NTM kiểu mẫu, chiếm 72,9% tổng số thôn trên địa bàn. Tiếp đến là huyện Quảng Xương với 40 thôn NTM kiểu mẫu (24,2% tổng số thôn), huyện Hoằng Hóa với 36 thôn NTM kiểu mẫu (15,8% số thôn), huyện Thiệu Hóa với 26 thôn NTM kiểu mẫu (16,8% số thôn)...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao những kết quả đạt được của Thanh Hóa trong xây dựng NTM, đồng thời nhấn mạnh Thanh Hóa địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều khu vực bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng khó khăn, suất đầu tư lớn, nhưng có sự quyết tâm, đồng lòng nên đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, huy động tối đa nguồn lực của địa phương để xây dựng NTM, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các địa bàn khó khăn, thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Tại Hội nghị, tỉnh Thanh Hóa trao tặng Bằng khen cho 19 tập thể, 25 xã, các thôn bản, cá nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM.