Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thành công với mô hình luân canh

N.Tâm - 09:38, 26/11/2019

Không chỉ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, bằng việc đưa cây màu xuống ruộng, luân canh “2 lúa 1 màu”, nông dân Trần Công Danh, 49 tuổi, ngụ ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) còn thành lập Tổ hợp tác để giúp nhiều nông dân trong xã cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Anh Danh thu hoạch vụ dưa hấu luân canh
Anh Danh thu hoạch vụ dưa hấu luân canh

Mạnh dạn đưa màu xuống ruộng

Sau thời gian dài làm lúa 3 vụ/năm, đất càng bạc màu mưa, nắng thất thường và bị hạn hán kéo dài, năng suất giảm nên thu nhập của gia đình anh Danh không ổn định. Ngoài làm đồng nhà, anh Danh phải đi sang các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang... để làm thêm. Cũng trong thời gian đó, Anh Danh thấy bà con luân canh “2 lúa 1 màu”, đặc biệt là cây dưa hấu xuống ruộng đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giúp cải thiện độ màu mỡ của đất nên quyết định học hỏi làm theo.

Sau khi thu hoạch vụ lúa đông - xuân, thay vì tiếp tục xuống giống vụ xuân - hè, anh Danh chuyển đổi 1,3ha đất sang trồng dưa hấu. Anh cho máy gặt đập liên hợp cắt sát gốc lúa, rồi tiến hành làm đất. Theo tính toán của anh Danh, thời gian trồng dưa từ 55 - 57 ngày, trong khi lúa khoảng 90 ngày mới cho thu hoạch. Năng suất trồng dưa hấu rất cao, từ 3 tấn/công trở lên, có năm trúng vụ lên 4,5 tấn/công, giá 3.000 - 7.000 đồng/kg (hiệu quả cao hơn gấp 3 - 5 lần trồng lúa).

Đặc biệt, từ năm 2018, thời tiết bất thường nên anh đã đầu tư chuyển sang trồng dưa hấu sử dụng màng phủ. Tuy mô hình này chi phí đầu tư cao, nhưng hiệu quả mang lại cao hơn trồng theo cách thông thường, Đặc biệt vụ dưa 2018 và đầu năm 2019 anh trúng mùa lại trúng giá nên đạt lãi rất cao.

Thành lập tổ hợp tác để giúp nhiều người

Những năm qua, nhờ mô hình luân canh “2 lúa 1 màu” mà gia đình anh Danh vươn lên khá giả, mỗi năm thu nhập lãi trên 1 tỷ đồng trên cánh đồng 6ha của gia đình. Nhiều bà con trong xã thấy mô hình của anh đạt hiệu quả cao đã đến học hỏi kinh nghiệm và được tận tình hướng dẫn.

Để thuận tiện cho việc hỗ trợ bà con, năm 2015, anh cùng với cán bộ Hội Nông dân xã Tân Thạnh thành lập Tổ hợp tác “2 lúa 1 màu”, gồm 33 thành viên (nay là 37 thành viên), với tổng diện tích hơn 42ha, do mình làm tổ trưởng.

Từ khi thành lập đến nay, anh Danh đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn các thành viên đưa cây màu xuống ruộng. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật luân canh lúa - dưa, anh Danh còn đứng ra bảo lãnh cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn mướn đất, mua thiếu phân thuốc đến cuối vụ mới thanh toán, từ đó giúp đỡ hàng chục tổ viên thoát nghèo bền vững.

Anh Trần Văn Trung, ấp Phước Thới 1, chia sẻ: “Trước đây gia đình tui thuộc hộ nghèo có sổ, nhà dột nát, không đất canh tác, sống bằng nghề chăn vịt. Năm 2015, tui mạo muội đến nhờ anh Danh giúp đỡ và đã được anh đứng ra bảo lãnh thuê đất, mua giống và phân thuốc cho canh tác lúa và trồng dưa hấu. Sau 3 năm gia đình tui đã thoát nghèo, cất được nhà mới khang trang và mua được 5 công đất canh tác”.

Nhận xét về anh Trần Công Danh, bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần Thơ chia sẻ: “Anh Danh bàn gì bà con cũng nghe theo. Điều đáng quý, đáng trân trọng của người nông dân giỏi này là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ người khác, chia sẻ kinh nghiệm, xem những khó khăn của bà con, cũng là khó khăn của mình nên luôn nhiệt tình giúp đỡ”.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.